Trong quá trình thực hiện dự án Tu bổ điện Kiến Trung, việc sưu tầm, phân tích ảnh cũ để có những điều chỉnh phù hợp và chính xác nhất có thể vẫn tiếp tục được thực hiện |
30 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (từ năm 1993), trong lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể đã có tổng cộng gần 200 công trình và hạng mục công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được bảo tồn tu bổ, phục hồi, tôn tạo. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế - Hoàng Việt Trung khẳng định, quy trình bảo tồn, trùng tu di tích rất nghiêm ngặt, bảo đảm các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước quốc tế.
Thận trọng và khoa học
Sau gần 5 năm khởi công, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung đang ở giai đoạn trang trí, hoàn thiện, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.
Cùng với điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái…, điện Kiến Trung là những di tích quan trọng nằm trên trục dũng đạo của khu Tử Cấm Thành dưới triều nhà Nguyễn. Công trình được khởi công xây dựng vào năm 1921 và hoàn thành vào năm 1923, dưới triều vua Khải Định. Năm 1947, do chiến tranh, điện Kiến Trung thành tàn tích. Đến nay, điện Kiến Trung là công trình có quy mô nhất được nghiên cứu phục hồi.
Thợ thủ công thi công tỉ mỉ tại công trình di tích |
Giám đốc Ban tư vấn thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế Ngô Quang Đức thông tin, cách đây hơn 10 năm, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế đã từng bước xây dựng hồ sơ, sưu tầm, hệ thống lại toàn bộ ảnh tư liệu cũ, sử liệu cũng như khảo sát nền móng để chuẩn bị cho việc triển khai dự án; đồng thời, tổ chức nhiều hội thảo để tham vấn việc phục dựng cung điện này. “Đến nay, hồ sơ tu bổ, phục hồi và tôn tạo điện Kiến Trung được xem như là hồ sơ Khoa học về bảo tồn đối với công trình đã bị phá hủy chỉ còn lại nền móng. Trong quá trình thực hiện dự án, việc sưu tầm, phân tích ảnh cũ để có những điều chỉnh phù hợp và chính xác nhất có thể vẫn tiếp tục được thực hiện”, ông Đức nói.
Được xây dựng năm 1805 dưới thời vua Gia Long, điện Thái Hòa là biểu trưng quyền lực của triều Nguyễn, nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại… Chiến tranh cùng với thời tiết nắng lắm mưa nhiều ở xứ Huế đã khiến nhiều hạng mục công trình xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2022, điện Thái Hòa được hạ giải để bảo tồn, tu bổ tổng thể toàn bộ các hạng mục. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2025.
Đơn vị thi công trùng tu cho biết, tất cả các cấu kiện, vật liệu sau khi tháo dỡ đều được đánh dấu, phân loại và đưa vào bảo quản để tái sử dụng. Chỉ những cấu kiện gỗ, ngói bị hư hỏng, mục ruỗng, vỡ... không thể sử dụng mới được thay thế bằng các sản phẩm phục chế cùng loại.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Phan Văn Tuấn, điện Thái Hòa được trùng tu với một quy trình thận trọng, khoa học và bài bản, được kỳ vọng là công trình chuẩn mực trong việc trùng tu di sản khi tôn trọng tối đa yếu tố gốc, áp dụng công nghệ để trùng tu hiệu quả hơn. Điển hình như việc làm sàn bảo vệ nền gạch với quy trình khắt khe, theo hồ sơ được duyệt. Việc ứng dụng công nghệ quét 3D cũng được kỳ vọng tạo nguồn tư liệu cho công tác trùng tu sau này.
Kế hoạch dài hạn cho di tích Huế
Sau khi Quần thể di tích Cố đô Huế chính thức được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới của UNESCO (năm 1993), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 1996-2010 với tổng mức đầu tư 720 tỷ đồng để bảo quản, trùng tu, phục hồi hơn 80 hạng mục công trình chủ yếu. Tiếp đó là phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010-2020 với tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng để tiến hành bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo hơn 170 công trình, hạng mục công trình. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện và xây dựng các chương trình đề án, kế hoạch chi tiết trong lĩnh vực bảo tồn, tu bổ di tích giai đoạn 2010–2020. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đạt được những thành tựu đáng kể; cùng với sự quan tâm nỗ lực đẩy mạnh công cuộc bảo tồn, tu bổ các di tích và vạch ra một kế hoạch dài hạn cho di tích Huế.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 900 di tích được kiểm kê lập hồ sơ, trong đó có 86 di tích cấp quốc gia và 59 di tích cấp tỉnh, riêng Quần thể di tích Cố đô Huế được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Hệ thống di tích đã được UBND tỉnh phân công quản lý, bảo vệ nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đến nay, đã có nhiều công trình tiêu biểu được trùng tu phục hồi, như: Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh (thuộc khu vực Đại nội); điện Minh Thành, điện Gia Thành (lăng Gia Long); lăng Đồng Khánh; Minh Lâu, điện Sùng Ân (lăng Minh Mạng); điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường (lăng Tự Đức); Thiên Định Cung (lăng Khải Định),... và hiện đang tiếp tục trùng tu nhiều công trình quan trọng khác như: điện Thái Hòa, điện Kiến Trung, tổng thể cảnh quan lăng Gia Long.
Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung cho hay, bên cạnh tiếp tục công tác trùng tu có trọng tâm trọng điểm, đơn vị đang xây dựng, hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản, tìm kiếm tư liệu, sử liệu từ nhiều nguồn và đang có kế hoạch cử cán bộ sang Pháp nâng cao năng lực kết hợp sưu tập dữ liệu. “Việc này chúng tôi đã làm việc với cơ quan lưu trữ lớn của Pháp như Trung tâm lưu trữ quốc gia và được phía đối tác đồng thuận hỗ trợ. Đồng thời, triển khai công tác truyền thông về di sản Huế một cách khoa học, bài bản, chuyên nghiệp”, ông Trung nói.
Trung tâm BTDTCĐ Huế cũng đang triển khai lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và dự kiến trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2023.