Thanh trà hữu cơ Thủy Biều 

Thời gian gần đây, việc chuyển đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp không chỉ đối với người dân đồng bằng, mà cả đồng bào dân tộc thiểu số ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới. Một số hộ đồng bào thiểu số mạnh dạn tham gia vào các mô hình nông nghiệp hữu cơ, an toàn sinh học công nghệ cao. Điều này cho thấy, tư duy và trình độ sản xuất của người dân đang có nhiều chuyển biến, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, tạo ra nguồn nông sản đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ngày càng khắt khe.

Bà Nguyễn Thị Đời ở xã Quảng Nhâm (A Lưới) chia sẻ, lâu nay bà con miền núi chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi theo phương thức truyền thống, hầu như không nghĩ đến chất lượng sản phẩm. Bà con chỉ biết tạo ra sản phẩm đạt năng suất càng cao càng tốt. Mới đây, hộ bà Đời tham gia mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ với gần 100 con dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của Tập đoàn Quế Lâm.

Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị, hộ bà Đời và các hộ chăn nuôi được Tập đoàn Quế Lâm cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi chất lượng, an toàn, hỗ trợ quy trình kỹ thuật trong suốt quá trình chăm sóc cho đến khi lợn xuất chuồng. Tập đoàn Quế Lâm có trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên bà con không lo đầu ra và giá sản phẩm ổn định. 

Mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ tại xã Quảng Nhâm không chỉ tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn cung cấp thị trường mà còn góp phần hạn chế gây ô nhiễm môi trường, không chất thải, nước thải vốn là vấn đề nhức nhối trong lĩnh vực chăn nuôi lâu nay. Hiệu quả mô hình này còn giúp người đồng bào dân tộc thiểu số và cả hộ đồng bằng thay đổi nhận thức trong phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ theo chuỗi giá trị.

 

Các vùng chăn nuôi theo hướng tập trung cách xa khu dân cư, có điều kiện đảm bảo về môi trường và áp dụng công nghệ cao đã và đang được đầu tư phát triển với quy mô ngày càng mở rộng. Cụ thể, hiện nay tại các khu trang trại thuộc các xã Quảng Vinh và Quảng Lợi (Quảng Điền) hình thành các trang trại chăn nuôi lợn thịt quy mô công nghiệp khoảng 10 ngàn con/lứa (khoảng 20 ngàn con/năm) có áp dụng công nghệ bán tự động. Hay trang trại chăn nuôi lợn thịt Hoàng Bằng tại xã Phong An (Phong Điền) với quy mô khoảng 40 ngàn con/năm; trại lợn nái Hoàng Vân tại xã Lộc Hòa (Phú Lộc) với quy mô 2.400 con lợn nái; trại lợn nái Nam Sơn tại xã Phong Sơn (Phong Điền) đang xúc tiến đầu tư, dự kiến nuôi 2.400 con.

Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 cơ sở chăn nuôi tập trung, trong đó có hơn 70 trang trại với doanh thu mỗi trại hàng năm từ một tỷ đồng trở lên. Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, tổ chức lại hệ thống giết mổ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường đang được ngành nông nghiệp triển khai một cách hiệu quả.

Chăn nuôi trang trại đang được khuyến khích phát triển nhằm tạo ra sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi lợn, gà liên kết với các công ty, như Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Mavin... theo hình thức các công ty này đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Trọng lượng thịt hơi xuất chuồng hiện nay cao hơn so với chăn nuôi nông hộ. Mặc dù thời gian qua giá thịt lợn hơi không ổn định, đa số người chăn nuôi lợn nhỏ lẻ bị thua lỗ, nhưng các trang trại nuôi liên kết tương đối ổn định về quy mô đàn và có lãi.

Môi trường chăn nuôi được bảo đảm hơn, toàn tỉnh có 4.768 cơ sở chăn nuôi được xử lý chất thải bằng hầm khí sinh học, 570 hộ sử dụng đệm lót sinh học với diện tích 26 ngàn m². Hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trong những năm qua được quy hoạch và đầu tư khá hoàn thiện, đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mới 9 cơ sở giết mổ tập trung, nâng tổng cơ sở giết mổ tập trung lên 32 cơ sở theo quy hoạch. Hiện tỉnh đang kêu gọi đầu tư, hỗ trợ xây dựng một lò mổ phía bắc với công suất 2.500 lợn, 150 trâu bò, 5.000 gia cầm/ngày đêm. Một đề tài khoa học “Xây dựng mô hình giết mổ gia súc tập trung theo công nghệ sạch, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái” để áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh đã được tỉnh chuyển giao cho cơ quan chức năng.

Đánh giá của các chuyên gia cho thấy, tiềm năng phát triển chăn nuôi bò thịt, lợn, gia cầm trên địa bàn tỉnh rất lớn, đặc biệt lợi thế về mô hình chăn nuôi an toàn, hữu cơ. Nhiều địa phương chú trọng nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học gắn với xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Từ đó, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung cách biệt khu dân cư, đảm bảo điều kiện về môi trường, đang chuyển dần theo hướng chăn nuôi gia trại có cải tiến, chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 400 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô trang trại, chiếm khoảng 40% số lượng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh.

Gần đây, Thừa Thiên Huế có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, các địa phương trong tỉnh nhân rộng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, đã xây dựng 50 nhà lưới với tổng diện tích khoảng 60 ngàn m2. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục phát triển, mở rộng với hơn 7.000ha lúa và rau các loại. Sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ hơn 250ha, nuôi lợn hữu cơ khoảng 7.500 con mỗi năm. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng theo Globalgap, ASC, BMP khoảng 120ha, nuôi trong nhà bạt theo công nghệ Biofloc hơn 80ha.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Đình Đức đánh giá, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa bị thiếu nước đã đem lại thu nhập cho người dân và tăng hiệu quả sử dụng đất. Nông dân từng bước tiếp cận, ứng dụng khoa học - công nghệ, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững. Nhiều giống lúa mới, giống lạc mới được đưa vào sản xuất, diện tích sản xuất rau, lúa theo hướng VietGAP, sản xuất hữu cơ được mở rộng hằng năm. Hoạt động khảo nghiệm, tuyển chọn giống lúa có năng suất cao, chất lượng để đưa vào cơ cấu giống của tỉnh luôn được quan tâm và đầu tư, đã xác định được một số giống lúa đưa vào cơ cấu giống như ĐT100 (KH1), J02, HN6...

Công nghiệp chế biến, cơ giới hóa, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường đang có sự chuyển biến tích cực, đúng hướng. Tổng sản lượng chế biến thực phẩm nông sản và thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh đến nay ước khoảng 3.500 tấn sản phẩm/năm. Trong đó, chế biến thủy sản chiếm sản lượng lớn nhất trong 5 mặt hàng chế biến nông, thủy sản thực phẩm với sản lượng chế biến gần 2.400 tấn sản phẩm/năm và chế biến nông sản khác 255 tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường so với tình hình phát triển chung còn chậm, ở mức thấp, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản còn bị động, hạn chế.

Bài, ảnh: Thế Thọ - Biểu đồ: Hương Trà