Trưng bày sản phẩm nông sản sạch của phụ nữ Nam Đông ở hội chợ |
Góp vốn tiết kiệm
A Lăng Thị Bé, ở thôn Dỗi (Nam Đông), ngót nghét tuổi 40, được đánh giá là chi hội trưởng phụ nữ năng động, có uy tín đối với chị em vùng cao. Rất thật lòng, chị kể, trước đây, phụ nữ dân tộc chủ yếu là chăn nuôi, làm nương rẫy, trồng rừng... thu nhập không ổn định. Nhiều hạn chế về tập tục xưa cũ nên phụ nữ cơ bản vẫn là đối tượng yếu thế, thiệt thòi về điều kiện sống, kỹ năng làm ăn và cả khát vọng vươn lên.
Khi chị Bé vận động hội viên xây dựng quỹ hội bằng hình thức đổi ngày công lao động, chị em hào hứng lắm, có gần 30 người tham gia. Hễ đến vụ mùa, làng trên xóm dưới đều có thể “đặt hàng” để các chị đến làm. Tất nhiên, tiền công lao động khá bình dân, cao nhất cũng khoảng 50.000 đồng/ngày. Giữ lại cho mình 10%, số tiền còn lại các chị góp vào quỹ hội. Nhờ vậy, mà chi hội phụ nữ của chị Bé giờ đã quản lý trên 65 triệu đồng. Theo chị Bé, vào ngày 25 hàng tháng, mọi người có thể góp vốn tiết kiệm với mức đóng tối thiểu 50.000 đồng/tháng/hội viên. Từ số tiền tiết kiệm được trên 45 triệu đồng, chị em ở thôn Dỗi được mượn tiền khi cần thiết.
Xuất phát từ một bộ phận hội viên nghèo, thiếu vốn làm ăn phải đi vay vốn bên ngoài với lãi suất cao, ở A Lưới đã triển khai mô hình tiết kiệm và cho vay tại thôn, bản theo hình thức cổ phần tài chính. Tại xã Quảng Nhâm, đã thành lập được 7 nhóm, có trên 100 thành viên tham gia. Hình thức này được làm khá bài bản, mỗi nhóm đều xây dựng quy chế hoạt động để huy động cổ phần, thu lãi và bình xét cho vay. Tùy theo điều kiện kinh tế, hàng tháng hội viên có thể đóng nhiều mức từ 50.000 đồng đến 250.000 đồng/người/tháng và đến nay số tiền đã lên đến trên 200 triệu đồng. Với lãi suất 1%/tháng, nhiều chị mượn từ 3 triệu đến 7 triệu đồng (có thể mượn nhiều lần) để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Theo bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới, điểm nổi bật của mô hình vay vốn do hội viên đóng góp là vận hành đơn giản, không phải tính toán nhiều. Mô hình này rất phù hợp với điều kiện kinh tế và năng lực của phụ nữ dân tộc thiểu số, giúp cho chị em hình thành thói quen tiết kiệm, tự quản và cộng đồng hỗ trợ, giúp nhau trong những lúc khó khăn; tăng kỹ năng quản lý tài chính và sự tự tin của phụ nữ vùng cao.
Chủ động về kinh tế
Mượn vốn có dễ không, tôi hỏi Lê Thị Pôn ở xã Quảng Nhâm khi gặp cô đang trưng bày sản phẩm rau sạch tại gian hàng nông sản ở A Lưới. Pôn cười hiền lành, cũng là tiền mình đóng góp nên khi mượn chắc chắn thuận tiện hơn, không phải qua các khâu thủ tục rườm rà. Theo lời Pôn, cảm nhận được khát vọng vượt khó, hội phụ nữ cơ sở đã cho chị mượn tiền nhiều lần để đầu tư trồng rau sạch, vận động chị tham gia các lớp tập huấn nên giờ Pôn còn biết bán hàng qua mạng và hoàn toàn độc lập về kinh tế. Ngoài 40 tuổi, em mới bắt đầu khởi nghiệp, nhưng muộn còn hơn không, Pôn chia sẻ.
Có được số vốn ban đầu, những phụ nữ vùng cao như Pôn trở nên mạnh mẽ, tự tin hơn, chủ động tham gia vào hợp tác xã và tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất dịch vụ. Theo chị Hoàng Thị Loan, Chủ tịch Hội LHPN Nam Đông, lĩnh vực chủ yếu được phụ nữ lựa chọn là sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm đặc sản địa phương. Nhất là có các hợp tác xã du lịch cộng đồng chuyên đưa sản phẩm của hội viên vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh, giúp chị em nâng cao thu nhập. Sau các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về khởi sự kinh doanh, họ chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường.
Chỉ tính riêng huyện Nam Đông, hơn 2.000 hộ được vay vốn từ các nguồn để phát triển kinh tế. Nhờ đó, trong nhiệm kỳ, gần 150 hội viên, phụ nữ được hỗ trợ khởi nghiệp và đã có hơn 30 chị thoát nghèo theo chuẩn đa chiều. Hùn vốn xoay vòng là mô hình không mới, nhưng hiệu quả đem lại rất thiết thực, giải quyết nhiều khó khăn cho gia đình hội viên phụ nữ. Không chỉ đứng ra mở lớp, cấp hội phụ nữ còn kiêm luôn việc vận động chị em tham gia lớp tập huấn “Quản lý tài chính hộ gia đình”, dần thay đổi thói quen chi tiêu trong gia đình vốn trước đây do các ông chồng quản lý. Để rồi, nhiều chị đã biết cách quản lý tiền, lợi ích của việc tiết kiệm là cần thiết.
Góp nhặt những câu chuyện sau chuyến đi ở A Lưới và Nam Đông, tôi hiểu, phụ nữ vùng cao đã cảm thấy yên tâm và chủ động về tiền bạc. Ngày khỏe thì làm lụng, kiếm tiền tích cóp, có nhiều thì góp vài trăm, ít hơn thì vài chục, miễn là khi cần có thể rút ra để chủ động. Nếu như trước đây, mỗi khi con ốm phải đem về Huế chữa bệnh, nhiều chị khó khăn vô cùng khi phải gõ cửa các nhà hảo tâm để xin tiền chữa bệnh. Còn giờ được ưu tiên mượn vốn kịp thời. Rồi thẻ bảo hiểm y tế hết hạn, cả nhà phải mua lên đến tiền triệu, biết chạy vạy vào đâu ngoài việc mượn tiền tiết kiệm trong hội. Có chị dựng vợ, gả chồng cho con, lại tìm đến hội, ít ra còn có tiền mà xoay xở việc nhà.
Giờ đây, những phụ nữ nơi bản làng hoàn toàn có thể tạo ra thu nhập, chứ không còn quẩn quanh với những công việc không tên… Các chị không chỉ chủ động về kinh tế mà trong gia đình cũng đã có tiếng nói hơn. Để rồi, họ nhận được sự chia sẻ của chồng trong công việc nhà, nương rẫy. Nhiều cặp vợ chồng cùng tham gia họp nhóm, cùng đồng lòng làm kinh tế. Đó chính là tín hiệu vui, tạo động lực giúp phụ nữ vùng cao vững tin, phấn đấu làm ăn, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.