Bà Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV. |
Thưa bà, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 114 có ý nghĩa như thế nào khi mà nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XIII đã đi qua và chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng?
Tôi cho rằng, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 114-QĐ-TW thể hiện quyết tâm của Đảng đối với việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Đây là Quy định nhằm tiếp tục cụ thể hóa đường lối công tác cán bộ tại Đại hội XIII của Đảng. Đó là “thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm...”.
Những điểm quy định mới về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền lần này rất rõ ràng khi chỉ ra từng hành vi cụ thể. Điều này cho thấy Đảng đã có sự nghiên cứu, xem xét rất kỹ thực tế đã diễn ra và có cả tính dự báo cho những hành vi có thể chưa bị phát hiện.
Quy định cũng thể hiện sự nghiêm minh của Đảng, không dung túng cho bất cứ sai phạm nào của mỗi cán bộ, đảng viên, ngăn chặn ngay những sai phạm từ gốc rễ. Đây cũng là công cụ để các cơ quan chức năng, người dân giám sát các hành vi vi phạm một cách dễ dàng, cụ thể hơn.
Đâu là những điểm mới nổi bật của Quy định 114 và liệu những hành vi được nêu trong Quy định này đã định lượng bao quát được các hành vi tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn được tham nhũng và tiêu cực trong công tác cán bộ hay chưa, thưa bà?
Quy định 114 có nhiều điểm mới so với Quy định 205, trong đó nổi bật là những nhóm vấn đề sau:
Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; hành vi tham nhũng và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị. Phạm vi điều chỉnh của Quy định 114 mở rộng hơn so với Quy định 205.
Nếu phạm vi điều chỉnh của Quy định 205 chỉ gồm kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, thì ngoài phạm vi này, Quy định 114 còn mở rộng ra toàn bộ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (không chỉ bó hẹp trong 2 hành vi chạy chức và chạy quyền), trách nhiệm kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm.
Việc xử lý vi phạm trong Quy định 114 được điều chỉnh thành một chương, chứ không chỉ một điều như trong Quy định 205. Đối tượng áp dụng của Quy định 205 là tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác cán bộ, còn ở Quy định 114 là tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm và có liên quan trong công tác cán bộ.
Như vậy, đối tượng áp dụng của Quy định 114 rộng hơn và đề cao thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có vai trò trong công tác cán bộ.
Đối với hành vi tham nhũng, Quy định 114 dành hẳn 1 Chương với 3 Điều để giải thích, làm rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Trong đó, bổ sung một số hành vi chạy chức, chạy quyền như chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu; bổ sung một số hành vi tiêu cực như thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm mất, thất lạc hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền xử lý; lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, kích động gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ.
Đây là những hành vi đã xảy ra trong thực tế nhưng trước đây chúng ta chưa có quy định cụ thể, rõ ràng như thế này để áp dụng xử lý.
Quy định 205 và Quy định 114 có sự khác nhau như thế nào khi Bộ Chính trị đặt trọng tâm vào việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Bà đánh giá như thế nào về sự ra đời của quy định mới này?
Về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị, Quy định 114 bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng cường phòng ngừa, kiểm soát việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực.
Trong đó, điểm nhấn quan trọng là cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.
Những hành vi được nêu trong Quy định 114 đã rất cụ thể, chi tiết và có bổ sung so với Quy định 205. Tuy nhiên, khi đưa vào áp dụng trong thực tiễn thì rất có thể có những kiểu “lách” quy định phát sinh, điều mà hiện giờ có thể chưa lường hết được.
Quy định thì rất chặt chẽ nhưng quá trình áp dụng có thể gặp những khó khăn, đòi hỏi mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị địa phương phải có quyết tâm chính trị cao; mỗi cán bộ, đảng viên phải tự nhận thức được ý nghĩa chính trị của Quy định và nâng cao lòng tự trọng để tự giác thực hiện đúng, thực hiện tốt các nội dung của Quy định, không làm sai cũng không luồn lách.
Không phải lần đầu tiên Đảng đã chỉ mặt vạch tên những hành vi chạy chức, chạy quyền. Thế nhưng việc ban hành Quy định 114 một lần nữa thể hiện một quyết tâm chính trị, một tuyên ngôn về công tác cán bộ của Bộ Chính trị trong tình hình mới.
Xin trân trọng cảm ơn bà!