Trồng hoa tết vất vả nhưng cũng mang lại cho người trồng hoa nhiều hy vọng

Vất vả trăm bề

Dâm xong chậu cúc cuối cùng cũng là lúc trời vừa tròn bóng, nhanh tay kéo vòi nước tưới cho cây, ông Lê Văn Tý (48 tuổi, TDP La Ỷ, Phú Thượng, TP. Huế) lau vội những giọt mồ hôi tâm sự: Năm nay tôi trồng ba vườn, một vườn khoảng hơn 300 chậu. Hơn mười năm trồng cúc chậu bán tết, nhưng chưa thấy năm nào nắng nóng, thời tiết khắc nghiệt như năm ni...

Nói rồi, ông Tý tiếp tục với công đoạn rải thêm một lớp vỏ đậu đã được xay nát lên các chậu cây đã cấy giống. Nhìn đôi tay thoăn thoắt, gọn gàng thực hiện các công đoạn cũng đủ biết ông là một người trồng hoa lâu năm. Ông giải thích: “Mặc dù đất đã được xử lý rất kỹ trước khi cấy giống, nhưng rải thêm lớp vỏ đậu khi tưới nước đất sẽ bớt bị trôi ra ngoài và giúp giữ ẩm cho đất”.

Mặc dù biết thời tiết năm nay khá khắc nghiệt, nhưng anh Nguyễn Phú Trọng (36 tuổi, TDP Tây Trì Nhơn, Phú Thượng, TP. Huế) vẫn háo hức bắt tay với những công đoạn để trồng vụ hoa tết năm nay. “Chi phí bỏ ra nhiều lắm, thuê đất, thuê nhân công, điện, nước, mua đất màu, mua phân bón, cây giống… lại thêm nỗi lo về thời tiết, nắng quá cũng lo, mùa lụt càng lo, nhưng là nông dân, có làm mới có ăn. Chỉ cầu cho mưa thuận gió hòa, hoa nở đúng vụ. Giờ là thời điểm bắt đầu trồng cúc chậu, còn các loại hoa ngắn ngày thì sẽ trồng sau một hai tháng nữa”, anh Trọng bộc bạch.

Để phục vụ thị trường, người trồng hoa trên địa bàn tỉnh thường khởi động vụ hoa tết vào cuối tháng 8. Tùy loại hoa mà có thời gian xuống giống khác nhau. Phổ biến và được tiêu thụ mạnh nhất vẫn là các loại cúc Đà Lạt trồng trong chậu, lay ơn, hướng dương rồi các loại hoa ngắn ngày hơn như hoa vạn thọ, hoa đồng tiền... Thời điểm này, người trồng hoa bắt đầu cấy giống cây con vào chậu và chăm sóc, tưới nước… Đa phần cây giống đều là các loại giống hoa nhập từ các nhà vườn ở Đà Lạt. Mỗi cây giống được cấy vào chậu là một hy vọng nhưng cũng mang theo bao nỗi niềm, thấp thỏm, lo lắng về thời tiết, về sâu bệnh, về thị trường tiêu thụ...

Không riêng người trồng hoa, những nhà vườn chuyên nghề cây kiểng tết đã sớm vào vụ tết. Thời điểm này bà con cũng đang tất bật chăm sóc, bón phân thúc, cắt tỉa cành, tạo dáng, để có những sản phẩm đẹp nhất cung ứng cho thị trường.

Với hơn 100 gốc mai vàng đang phát triển, chị Dương (Hương Trà) cho biết: Hiện đang giai đoạn bón phân thúc và tưới nước cho mai, lá mai sẽ được tỉa khoảng từ 15 ngày đến 1 tháng trước tết, tùy thời tiết.

Cả năm trồng hoa màu, còn đến vụ tết người dân tranh thủ tìm những khu đất trống quanh khu vực mình sinh sống để tận dụng trồng hoa tết, kiếm thêm nguồn thu nhập.

Cùng với hy vọng

Được đà vụ hoa năm ngoái, năm nay gia đình chị Yến (Thủy Thanh, Hương Thủy) cũng trồng hơn 500 chậu cúc Đà Lạt và một số loại hoa ngắn ngày để bán vụ tết. “Năm ngoái tuy bán không nhanh, giá không cao như các năm, nhưng hoa nhà tôi cũng bán hết. Lời không nhiều nhưng cũng có thêm nguồn thu. Trồng hoa rất vất vả, phải chấp nhận “nương” theo thời tiết, nhu cầu, giá cả thị trường. Nhưng tôi tin, trời không phụ công người chăm bón, cứ trồng, cứ chăm, cứ hy vọng. Trồng hoa tuy không giàu nhưng “thơm tay” sẽ có thêm một nguồn thu khá để trang trải cuộc sống, có cái tết sung túc hơn”, chị Yến bộc bạch.

Bắt đầu trồng cây giống vào chậu là cũng bắt đầu cho một chuỗi ngày lao động cật lực cùng những nỗi niềm phập phồng theo hoa của những người dân trồng hoa tết. Cây nhỏ thì tưới tắm, chăm bón, cây lớn thì làm lán trại canh hoa.

Nhìn những giọt mồ hôi rớt lã chã trên những luống hoa, đôi bàn tay chai sạn, khuôn mặt cháy nắng của những người nông dân trồng hoa mới biết để có những chậu cúc rực rỡ sắc màu, điểm tô cho mùa tết an vui, người trồng hoa phải vất vả trăm bề. Vất vả là thế, nhưng chẳng ai kêu than mà họ chỉ có chung hy vọng, đó là hy vọng hoa nở đúng ý định, bán được giá và bán hết.

Bài, ảnh: Thanh Thảo