Lực lượng vũ trang tỉnh tham gia rà phá, thu gom bom, mìn, vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh |
Sinh ra và lớn lên trong cao trào cách mạng sôi nổi, liên tục và rộng khắp của các tầng lớp nhân dân, sau cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử, theo sự chỉ đạo của Trung ương mà trực tiếp là của tỉnh Thừa Thiên, ngày 5/9/1945 tại Cố đô Huế, Chi đội Trần Cao Vân ra đời (tiền thân của Trung đoàn Trần Cao Vân - 101). Với gần 2.000 chiến sĩ đủ các thành phần giai cấp trong xã hội, đông đảo nhất là lực lượng thanh niên, học sinh tự nguyện xếp bút lên đường chiến đấu, lực lượng tự vệ bí mật thời kỳ tiền khởi nghĩa, một số là công nhân, nông dân. Đó là những lớp người hăng hái, nhiệt tình, tự nguyện đúng vào hàng ngũ cầm súng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương. Từ đó, ngày 5/9/1945 đã trở thành 1 mốc son lịch sử, đánh dấu sự ra đời chính thức của LLVT cách mạng của tỉnh ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ròng rã 30 năm chiến đấu giải phóng quê hương (1945-1975), mỗi tên làng, tên núi, tên sông, mỗi góc phố, con đường đã vang dội biết bao chiến công hiển hách, đã thấm biết bao xương máu, nước mắt của đồng bào, đồng chí đã anh dũng ngã xuống. Với những trận đánh như ở khách sạn Morin, miếu Đại Càng, đồn Đất Đỏ, Hộ Thành, Hói Mít, Thanh Hương, Thanh Lam Bồ... đã làm cho kẻ thù kinh hoàng, khiếp sợ. Những trận đánh rực lửa Phú Bài, Tứ Hạ, Hương Giang, Chánh Tây, Thành Nội... mở đường cho đại thắng mùa xuân 1975, quét sạch bóng quân thù, trả lại cho Huế thanh bình, thơ mộng và niềm tự hào để cùng với cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chiến tranh kết thúc, LLVT tỉnh lại lên rừng, xuống biển cùng với toàn dân xây dựng lại quê hương, đất nước; khai hoang, phục hóa, rà phá bom mìn, mở mang đất đai để Nhân dân phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong thiên tai bão lũ, dịch COVID-19, LLVT tỉnh bất chấp mọi nguy hiểm để giúp Nhân dân, sẵn sàng chia sẻ với Nhân dân từng thùng mỳ tôm, cân gạo và giúp đỡ những gia đình bị nạn dựng lại nhà cửa, thu hoạch mùa màng. Ngoài ra, LLVT tỉnh luôn làm tốt chính sách xã hội và chính sách hậu phương quân đội với nhiều phong trào đền ơn đáp nghĩa, như: Xây nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, thăm hỏi, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, khám, cấp thuốc miễn phí, nâng bước em tới trường…
Với những thành tích trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Thừa Thiên Huế đã có 82 tập thể được phong tặng Anh hùng LLVT nhân dân, 66 tập thể trên địa bàn tỉnh được phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, gần 89.000 người có công với cách mạng. Trong đó, có 2.473 Bà mẹ VNAH, 50 Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, 457 cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, gần 19.000 nghìn liệt sĩ được công nhận, ghi danh; có trên 13.000 thương binh, bệnh binh, hơn 15.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế…
Phát huy truyền thống 78 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của LLVT tỉnh, Đảng bộ, LLVT tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm tư tưởng và nghệ thuật quân sự của Đảng, các chủ trương, chính sách của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Tập trung chăm lo phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh ngày càng vững chắc; tạo thế liên hoàn trong thế trận chung của Quân khu 4 và của cả nước. Trong đó, chú trọng xây dựng thế và lực của khu vực phòng thủ ngày càng vững mạnh, sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực, thù địch, phản động, đánh bại các kiểu chiến tranh xâm lược; tăng cường xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; giữ vững ổn định về chính trị trong mọi tình huống.