Các đại biểu đã sẵn sàng cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43. Ảnh minh hoạ: TTXVN/Vietnam+ |
Tổng thống Indonesia Joko Widodo dự kiến sẽ chủ trì 12 phiên họp cấp cao, bao gồm các phiên họp tổng thể và bế mạc của Hội nghị Cấp cao ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3, cũng như 13 cuộc họp song phương khác.
Được biết, Indonesia đang thúc đẩy các nỗ lực để đẩy nhanh quá trình ra quyết định trong khối, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng. Về nguyên tắc cơ bản, các quyết định trong khối đều dựa trên sự tham vấn và đồng thuận.
“Trong tương lai, ASEAN sẽ đối mặt với nhiều tình huống đòi hỏi khối khu vực phải đưa ra những quyết định nhanh chóng. Trong đó, ASEAN sẽ phải đối mặt với nhiều tình huống khẩn cấp khi những thách thức của thế giới đang ngày càng lớn hơn. Đây là điều cần thiết và tốt hơn hết là ASEAN nên chuẩn bị để duy trì vai trò trung tâm của mình”, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết trong một cuộc họp báo.
Ít nhất 9 nước thành viên, cũng như thành viên tiềm năng là Timor leste, đại diện bởi Thủ tướng Xanana Gusmao, dự kiến sẽ tham dự hội nghị.
Những vấn đề trọng tâm
Theo các chuyên gia, trọng tâm của cuộc họp tuần này là phát triển và tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, cũng như giải quyết những vấn đề nóng gồm vấn đề ở Myanmar và Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Ngoại trưởng Indonesia là bà Retno Marsudi cho rằng, sự đồng thuận 5 điểm được thông qua vào tháng 4/2021 vẫn là hướng dẫn chính cho khối trong việc giải quyết vấn đề ở Myanmar. Trong đó, sự đồng thuận kêu gọi đối thoại giữa tất cả các bên, chấm dứt ngay lập tức bạo lực ở Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện hoà giải, hỗ trợ nhân đạo và thực hiện các chuyến thăm của phái đoàn ASEAN đến Myanmar để gặp gỡ tất cả các bên liên quan.
Một vấn đề khác có thể sẽ được thảo luận tại hội nghị cấp cao là những vấn đề liên quan đến Bộ quy tắc ứng xủ trên Biển Đông (COC). Lãnh đạo Indonesia nhấn mạnh, Indonesia vẫn duy trì lập trường nhất quán là bất kỳ yêu cầu gì được đưa ra đều phải tuân thủ Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Trong số những vấn đề có liên quan, ASEAN đã khởi động các cuộc đàm phán về hiệp định kinh tế kỹ thuật số trị giá 2,7 nghìn tỷ USD để thúc đẩy thương mại liền mạch hơn.
Thêm vào đó, trong nhiều năm qua, các nước ASEAN và Trung Quốc đã cố gắng xây dựng một COC mang tính ràng buộc về mặt pháp lý để quản lý Biển Đông, một trong những tuyến đường thuỷ nhộn nhịp nhất thế giới.
Trong nhiệm kỳ chủ tịch của Indonesia, các nước ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí đẩy nhanh quá trình đàm phán COC và xây dựng các hướng dẫn thực tế để đảm bảo rằng COC tiếp tục có hiệu lực và khả thi.
Các hướng dẫn “tóm tắt nguyện vọng” hoàn thành COC trong vòng 3 năm hoặc ngắn hơn, song Vụ trưởng Hợp tác An ninh Chính trị ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Rolliansyah Soemirat nhận định rằng do tính chất phức tạp của các yếu tố trong COC, các bên liên quan đã rất thận trọng nên cần có bước đột phá để đẩy nhanh quá trình.
Được biết, COC được kỳ vọng sẽ phản ánh các chuẩn mực, nguyên tắc và quy tắc quốc tế hài hoà, cùng lúc tham khảo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS để đạt được một khu vực Biển Đông ổn định, an toàn và hoà bình.
Tăng cường hợp tác, hội nhập kinh tế trong khu vực
Trong bối cảnh hiện nay, Indonesia và khu vực ASEAN đang được coi là điểm đến đầu tư mới cho việc tái phân bổ công nghiệp, đơn cử như trong các ngành sản xuất và công nghệ cao. Theo Bộ Tài chính Indonesia, việc tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế trong khu vực là điều cần thiết để nắm bắt các cơ hội đầu tư. Khả năng phục hồi kinh tế khu vực mạnh mẽ phải được tạo ra thông qua các chính sách tăng cường thương mại nội vùng giữa các nước ASEAN. Trong đó, cơ hội đầu tư thương mại đã mang lại luồng gió mới cho các nước trong khu vực, trong bối cảnh thương mại và đầu tư quốc tế đang chậm lại do căng thẳng địa chính trị.
Nhìn chung, tăng cường chuỗi cung ứng và thương mại nội khối ASEAN là cần thiết, bởi các nước trong khu vực có lịch sử hoạt động riêng lẻ nên cần được khắc phục. Ngoài ra, những thách thức hiện này là cần phải thúc giục ASEAN duy trì động lực một cách chiến lược và cùng nhau giải quyết những khó khăn đang tồn tài, như áp lực nợ gia tăng, hạn chế về không gian chính sách, sự phân mảnh toàn cầu, các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực và năng lượng…
Nền kinh tế ASEAN dự kiến sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm nay, cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu, mặc dù lạm phát dự kiến vẫn ở mức cao ở một số nước thành viên, nhưng mức này vẫn tương đối thấp hơn so với các khu vực khác. ASEAN đã và đang nỗ lực duy trì lãi suất trong bối cảnh lãi suất toàn cầu đang ngày càng tăng. Những nền tảng kinh tế này thể hiện khả năng phục hồi của khu vực trước những cú sốc toàn cầu và sự nhất quán trong phát triển kinh tế khu vực để trở thành tâm điểm của tăng trưởng. Do đó, nội dung của hội nghị sắp tới sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường cơ cấu chính sách kinh tế vĩ mô giữa các nước thành viên ASEAN bằng cách sử dụng mọi công cụ sẵn có để đảm bảo ổn định kinh tế khu vực. Cuộc họp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ phối hợp tốt các chính sách để giải quyết các rủi ro khác nhau.