Nhiều sản phẩm đặc trưng, chủ lực của A Lưới được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế |
Chị Trần Thị Bích May, người mới khởi sự kinh doanh các sản phẩm dân dã vùng cao A Lưới với thương hiệu Hanaal Food thời gian qua đã kết nối với người dân thu mua nguyên liệu, sản xuất các đặc sản như thịt khô gác bếp, thịt bò A Lưới, mật ong, rượu sim, gạo Ra Dư, nếp than... để cung ứng cho các thị trường trong và ngoài tỉnh. Cùng với nhiều hộ kinh doanh nông, đặc sản trên địa bàn, chị Đinh Thị Hương, chủ hộ kinh doanh Ngọc Su tại thị trấn A Lưới từ hơn 10 năm nay vẫn chuyên phân phối các sản phẩm đặc sản A Lưới như: mật ong rừng, nếp than, nấm lim xanh, nấm linh chi rừng, chuối rừng, sâm cau rừng... đi các vùng, miền tiêu thụ.
Thông qua sự mở rộng, phát triển các kênh sản xuất, kinh doanh, phân phối của các hộ kinh doanh, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn, nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đặc sản, sản phẩm du lịch... của A Lưới đã được nhiều người biết đến và giá trị hàng hóa ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc tận dụng những lợi thế khác biệt, đặc trưng và riêng có của mỗi địa phương, mỗi gia đình ở A Lưới vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu bài bản, thiếu quy chuẩn, bao bì, nhãn mác còn sơ sài, chưa bắt mắt.
Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, huyện A Lưới đang tập trung kêu gọi đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh vào hai lĩnh vực này. Trong đó, chính quyền địa phương, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN), người dân đang tích cực kết nối, tận dụng chính sách về thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp từ Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025. Đến nay, một số nhiệm vụ KH&CN đã được triển khai trên địa bàn huyện như: dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xây dựng mô hình phát triển đàn dê tại huyện miền núi A Lưới", dự án "Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình trồng hoa lily, hoa cúc và hoa đồng tiền", dự án "Xác lập và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm thịt bò vàng A Lưới"... Các dự án KH&CN không chỉ góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi tập quán sản xuất của người dân mà còn tạo điều kiện cho địa phương tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực trên cơ sở phát huy lợi thế như chuối hàng hóa, hoa xứ lạnh, nuôi bò, nuôi cá tầm, sâm Bố Chính, nuôi ong ruồi tự nhiên... Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm chủ lực như vải dèng, gạo Ra Dư, thịt bò vàng A Lưới... còn là cơ hội thuận lợi, phát huy lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm, tăng giá trị kinh tế cho người sản xuất và kinh doanh, hình thành chuỗi giá trị hàng hóa trên địa bàn.
Để phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện tập trung đầu tư sản xuất nông nghiệp chuyển dần sang thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, các gia trại, trang trại chăn nuôi thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản và thủ công mỹ nghệ của huyện vươn ra các thị trường, kênh phân phối đa dạng hơn. Bên cạnh đó, bằng nội lực kết hợp các chương trình, huyện tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở kinh doanh tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, xây dựng nhãn hiệu các sản phẩm đặc sản, OCOP, sản phẩm chủ lực để đáp ứng các điều kiện cần thiết đưa hàng hóa vào tiêu thụ tại các kênh phân phối hiện đại.
Để thúc đẩy dịch vụ du lịch phát triển, huyện có kế hoạch xây dựng không gian trưng bày sản phẩm dèng, các sản phẩm đan lát, điêu khắc, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm ẩm thực truyền thống. Nâng cấp hạng mục hạ tầng thiết yếu tại các điểm du lịch sinh thái, các điểm di tích lịch sử cách mạng, đồng thời vận động, khuyến khích người dân địa phương khởi sự, khởi nghiệp làm du lịch homestay, farmstay, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn theo hướng an toàn, thân thiện, bền vững.