Ngành du lịch TT Huế tiếp cận thị trường du lịch Bạc Liêu. Ảnh: Trang Hiền
|
Liên kết và quảng bá
Từ ngày 27/6 đến 3/7, Thừa Thiên Huế tham gia Tuần lễ Du lịch xanh đồng bằng sông Cửu Long năm 2015 tại TP Cần Thơ. Tại sự kiện này, ngành du lịch Thừa Thiên Huế tập trung giới thiệu những hình ảnh về Kinh thành Huế và hệ thống lăng tẩm tiêu biểu trong quần thể di tích Cố đô Huế; lồng ghép giới thiệu Festival Huế, Suối khoáng nóng Thanh Tân và Mỹ An, Lăng Cô, Vườn quốc gia Bạch Mã…, thể hiện tiềm năng, thế mạnh của du lịch tỉnh nhà. Các sản phẩm thủ công, như: hoa giấy Thanh Tiên, nón lá, diều, tranh làng Sình… của các làng nghề truyền thống Huế cũng được trưng bày, giới thiệu.
Dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh An Giang tổ chức ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa An Giang và Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam. Việc hợp tác này được mong đợi sẽ góp phần đẩy mạnh sự tăng trưởng về kinh tế, xã hội của 4 địa phương. Trước đó, tại Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014, Thừa Thiên Huế cũng đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với tỉnh này.
Cuối tháng 8/2014, đoàn Famtrip Thừa Thiên Huế do Sở VH, TT&DL tổ chức đã khảo sát điểm đến các tỉnh miền Tây Nam bộ. Đoàn đã gặp gỡ, giao lưu, tiếp xúc với Sở VH, TT&DL và các doanh nghiệp du lịch của Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau để tìm hiểu, xúc tiến và liên kết hợp tác phát triển du lịch. Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL cho biết: “Miền Tây là thị trường du lịch phong phú nhưng người miền Tây biết đến Huế còn hạn chế. Việc mở quan hệ hợp tác với các tỉnh Tây Nam bộ là chiến lược mà Sở VH,TT&DL rất quan tâm. Thông qua chuyến đi, chúng tôi giới thiệu những sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn ở Huế để mời gọi, thu hút các doanh nghiệp du lịch của miền Tây Nam bộ đưa khách đến Huế. Bên cạnh đó, việc khảo sát các sản phẩm du lịch của các tỉnh miền Tây Nam bộ để các hãng lữ hành của Thừa Thiên Huế có thể giới thiệu, xây dựng tour tuyến đưa khách từ Huế, miền Trung vào miền Tây. Từ đó, có thể thúc đẩy du lịch của miền Trung và miền Tây Nam bộ ngày càng phát triển”.
Ông Nguyễn Vũ, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Bạc Liêu phấn khởi: “Sau khi đoàn Thừa Thiên Huế đến Bạc Liêu, chúng tôi cũng đã tổ chức đoàn Famtrip đến Thừa Thiên Huế khảo sát sản phẩm. Đây là cơ hội rất tốt để mở ra sự hợp tác du lịch chặt chẽ và có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới giữa hai tỉnh nói riêng và hai vùng nói chung”.
Sẽ có sự tăng trưởng
Thừa Thiên Huế có nhiều sản phẩm du lịch liên quan đến di sản với lăng tẩm, đền đài, danh lam thắng cảnh. Đồng bằng sông Cửu Long lại có những điểm nhấn về du lịch sông nước, miệt vườn, sinh thái… Sự khác biệt này thu hút người dân hai bên khám phá các điểm du lịch nổi tiếng của nhau. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư Du lịch TP Cần Thơ cho rằng: “Đây là điều kiện để hai bên có thể liên kết, trao đổi lượng khách du lịch. Chúng tôi mong sự hợp tác này ngày càng chặt chẽ hơn, đẩy mạnh liên kết, tạo ra nhiều sản phẩm để tăng trưởng ngành du lịch. Đón đầu cơ hội này, việc nâng cấp sản phẩm là yếu tố thiết yếu để mỗi địa phương tăng sức hấp dẫn cho điểm đến của mình”.
Từ bước khởi đầu này, các doanh nghiệp lữ hành đã quảng bá, xây dựng tour tuyến, đưa khách của miền Tây Nam bộ đến Huế và ngược lại. Ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Giám đốc Công ty CP Du lịch Bạc Liêu cho biết: “Thông qua chương trình hợp tác du lịch giữa Bạc Liêu và Thừa Thiên Huế, Công ty CP Du lịch Bạc Liêu sẽ có những chương trình khuyến mãi kích cầu nhằm thu hút khách từ Huế và các tỉnh miền Trung đến với Bạc Liêu. Chúng tôi cũng đã quảng bá, giới thiệu tiềm năng, các tuyến điểm của du lịch Huế để tổ chức đưa khách từ Bạc Liêu đến với Huế”.
Để khai thác nguồn khách từ miền Tây, Vietravel đang tổ chức gian hàng quảng bá tại Tuần lễ Du lịch xanh đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, chú trọng quảng bá điểm đến Huế. Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel chi nhánh Huế cho hay: “Vietravel chi nhánh Huế cũng phối hợp với hệ thống chi nhánh ở miền Tây và Đà Nẵng thu hút khách miền Tây đến với Huế và miền Trung. Cụ thể, chương trình du lịch con đường di sản miền Trung từ Đà Nẵng đến Quảng Bình đang được khai thác khá tốt. Ngược lại, chúng tôi cũng đã triển khai các tour đưa khách đến miền Tây: Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau, Cần Thơ - Châu Đốc - An Giang và miền Tây kết hợp với Phú Quốc. Những tour này đang bán rất chạy với lượng khách ổn định”.
Ông Nguyễn Vũ thông tin thêm: “Thực hiện liên kết phát triển du lịch với Thừa Thiên Huế, trên cơ sở tiềm năng phong phú và đa dạng của Bạc Liêu, chúng tôi vừa củng cố, hoàn thiện sản phẩm truyền thống vừa xây dựng những sản phẩm mới, đặc trưng, tạo ra các điểm nhấn để thu hút du khách và cung cấp dịch vụ tốt nhất cho các công ty du lịch, các hãng lữ hành”.
Nhận định về nhu cầu trao đổi khách giữa miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, ông Lê Hữu Minh cho rằng: “Đường bay thẳng Cần Thơ - Đà Nẵng được đưa vào sử dụng là cơ hội tốt để chúng ta khai thác nguồn khách của miền Tây Nam bộ. Du khách nơi đây có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn với du lịch văn hóa di sản vốn là thế mạnh của du lịch Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng. Sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành du lịch Thừa Thiên Huế và các tỉnh Tây Nam bộ và ngược lại, việc luân chuyển khách giữa hai vùng miền sẽ có sự tăng trưởng nhanh”.