Ô nhiễm không khí có thể khiến tình trạng kháng kháng sinh trở nên tồi tệ hơn. Ảnh: IFL Science/Tuoitre |
Theo các chuyên gia, các chất ô nhiễm trong không khí có thể tác động lên thành tế bào vi khuẩn, tạo điều kiện cho sự hấp thụ các yếu tố góp phần dẫn tới kháng kháng sinh.
Quá trình này, được gọi là chuyển gen ngang, cho phép vi khuẩn tiến hóa và trở nên kháng kháng sinh hơn. Đáng lo ngại, sự tiến hóa này xảy ra nhanh hơn các nguyên nhân gây kháng kháng sinh khác, nghiên cứu cho biết.
Tiến sĩ Kumitaa Theva Das, nhà virus học từ Đại học Sains Malaysia (USM), nhấn mạnh một nghiên cứu gần đây đã kiểm tra 9 mầm bệnh do vi khuẩn và gần 50 loại kháng sinh. Kết quả chỉ ra rằng có mối liên hệ đáng kể giữa ô nhiễm không khí và tình trạng kháng kháng sinh, cụ thể là ô nhiễm không khí tăng 1% có liên quan đến mức tăng tỷ lệ kháng kháng sinh lên tới 1,9%.
“Nghiên cứu này cho thấy các chất ô nhiễm đẩy nhanh quá trình tiến hóa của vi khuẩn, khiến ô nhiễm hạt có khả năng trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Những chất ô nhiễm này có thể ảnh hưởng đến tim, phổi và hệ hô hấp”, Tiến sĩ Kumitaa cho biết.
Từ đó, bà khuyến nghị trẻ em, người già và những người mắc các bệnh tim phổi như hen suyễn phải đối mặt với nguy cơ cao hơn và nên hết sức thận trọng.
Theo dữ liệu được thu thập bởi cơ quan giám sát chất lượng không khí IQ Air, một số khu vực ở Malaysia đã bị bao phủ trong khói mù với chỉ số chất lượng không khí (AQI) hôm 5/9 đạt mức không tốt cho sức khỏe là 181.
Được biết, chỉ số AQI từ 151 đến 200 được coi là không tốt cho sức khỏe vì có khả năng gây ra các tác dụng phụ và tình trạng trầm trọng hơn đối với tim và phổi trong cộng đồng nói chung.
Để bảo vệ cơ thể chống lại tác hại của khói mù, Tiến sĩ Kumitaa cho rằng đeo khẩu trang, duy trì lượng nước trong cơ thể, áp dụng chế độ ăn uống bổ dưỡng và giảm các hoạt động ngoài trời là những bước cần thiết để giảm thiểu rủi ro liên quan đến ô nhiễm không khí.
Song song đó, chuyên gia y học gia đình USM, Tiến sĩ Mastura Mohd Sopian cũng cho biết thêm rằng các loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh đa dạng và các gen kháng thuốc có thể xuất hiện do không khí bị ô nhiễm.
Khói mù – tình trạng phổ biến khi xảy ra cháy rừng, có thể làm biến đổi gen và góp phần gián tiếp vào tình trạng kháng kháng sinh thông qua mối tương tác gen - môi trường, và đặc biệt ảnh hưởng đến nhiễm trùng đường hô hấp.
Tiến sĩ Mastura nhấn mạnh rằng khói mù có tác động rõ rệt hơn ở những người có bệnh tim hoặc phổi từ trước. Các triệu chứng cấp tính như ho, thở khò khè, khó thở, mệt mỏi và suy nhược có thể do tiếp xúc với khói mù và việc tiếp xúc này kéo dài có thể dẫn đến viêm phế quản, cũng như làm tăng nguy cơ ung thư phổi.