Nuôi gà an toàn |
Từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án (DA) phát triển mang lại hiệu quả kinh tế, như DA chăn nuôi bò sinh sản tại xã Hồng Thượng (A Lưới) có 12 hộ vay 300 triệu. Từ hỗ trợ của DA giúp đàn bò phát triển tốt, góp phần đưa tổng đàn bò của xã Hồng Thượng lên 1.000 con, cao nhất toàn huyện.
DA mở rộng diện tích vùng nguyên liệu tinh chế dầu tràm tại xã Lộc Thủy (Phú Lộc) có 10 hộ vay 500 triệu đồng để mở rộng diện tích, đầu tư lò chưng cất dầu đã cho thu nhập khá cao và ổn định. Sản phẩm dầu tràm Lộc Thủy đã đăng ký nhãn hiệu tập thể, diện tích hiện nay gần 30ha tràm nguyên liệu.
DA nuôi ong lấy mật tại xã Phong Mỹ (Phong Điền) có 12 hộ vay 300 triệu đã giải quyết việc làm cho 12 lao động, bình quân mỗi người có thu nhập 200 ngàn đồng/ngày. DA chẻ tăm hương tại xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) có 15 hộ vay 300 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 30 lao động trong thời gian nhàn rỗi. DA nuôi trâu sinh sản tại phường Thủy Châu (TX. Hương Thủy) có 16 hộ vay một tỷ đồng, đàn trâu 50 con đang phát triển tốt...
Nhiều sản phẩm được các cấp HND phối hợp hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu như rượu làng Chuồn, gạo thơm Thủy Thanh, dưa hấu Vinh Lộc, bưởi da xanh Phong Điền, cam Nam Đông, hương trầm Huế, mai cảnh Thế Chí Tây, rau an toàn Phong Điền, dưa hấu Phong Điền, lúa gạo VietGAP Hòa Bình Chương, trứng vịt lộn Phong Chương, mật ong Phong Mỹ, lạc Phong Điền và dâu tằm Hiền Lương, tiêu Phong Điền, ruốc Huế, gạo đỏ Quảng Điền, mật ong Nam Đông...
Trong số đó đã có 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 35 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng. Năm 2023, có 53 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP. Hiện các chủ thể đang triển khai phương án SXKD, hoàn thiện sản phẩm, chuẩn bị hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng OCOP. Dự kiến cuối năm nay có ít nhất 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh, ông Trần Văn Lập thông tin, 5 năm qua, Quỹ HTND cấp tỉnh và cấp huyện tăng trưởng 22,715 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đang quản lý gần 41 tỷ đồng với 177 DA và 971 hộ vay vốn. Nhìn chung, các DA sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, sử dụng đúng mục đích, đầu tư tăng đàn gia súc, gia cầm, mở rộng quy mô sản xuất. Thông qua việc cho vay vốn Quỹ HTND, các cơ sở HND xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, thành lập các tổ hợp tác, góp phần tuyên truyền cho HVND các mô hình hay, có hiệu quả để nhân rộng, từ đó tạo mối quan hệ gắn kết giữa HVND với tổ chức HND.
Các cấp HND phối hợp với chính quyền, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, hướng dẫn HVND các hồ sơ, thủ tục để đăng ký nhãn hiệu tập thể sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 49 nhãn hiệu tập thể được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ ra quyết định bảo hộ như nhãn hiệu tập thể Sen Huế do HND tỉnh quản lý, thịt bò vàng A Lưới, rau má Quảng Thọ và nhiều nhãn hiệu tập thể khác.
HND giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thông qua hình thức đưa các sản phẩm OCOP vào các siêu thị, các cửa hàng nông sản, đưa các sản phẩm nông nghiệp tham gia bình chọn các sản phẩm tiêu biểu, tham gia các gian hàng trưng bày tại hội chợ sản phẩm nông nghiệp do Trung ương và địa phương tổ chức. Đến nay, toàn tỉnh có 56 sản phẩm được đánh giá, công nhận và phê duyệt kết quả chấm điểm theo tiêu chí sản phẩm OCOP.
Tính riêng trong năm năm qua, các cấp HND vừa trực tiếp vừa phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho gần 10 ngàn người và có 8.500 học viên được học nghề nông nghiệp dịch vụ đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất và tự tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định kinh tế. Đồng thời, tổ chức 2.300 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, kinh doanh cho gần 88 ngàn lượt HVND; tổ chức nhiều đợt tham quan học tập trong và ngoài tỉnh về kinh nghiệm tổ chức xây dựng HND và các mô hình SXKD giỏi cho cán bộ hội từ tỉnh đến cơ sở.