Thu hoạch sắn tránh lũ |
Đến thời điểm này (11/9), toàn tỉnh đã thu hoạch xong hơn 24 ngàn ha lúa, chỉ còn chưa đến một ngàn ha gieo cấy muộn, hoặc sạ lại do nắng nóng, chuột gây hại đầu vụ. Trong số gần 1.000ha chưa thu hoạch có khoảng 700ha ở huyện A Lưới gieo cấy muộn so với khung lịch thời vụ do tập quán canh tác của bà con. Số diện tích chưa thu hoạch còn lại tập trung tại một số địa phương ở TP. Huế, Phú Vang.
Để tránh thiệt hại do mưa lũ có thể đến sớm, mấy ngày nay nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương thu hoạch diện tích lúa còn lại. Ghi nhận của chúng tôi, tại một số xứ đồng ở xã Hương Phong (TP. Huế) gieo cấy muộn hiện còn hàng chục ha chưa thu hoạch xong. Hai ngày nay, các địa phương huy động máy gặt đập liên hợp, nhân lực thu hoạch thâu đêm, phấn đấu thu hoạch xong trong một vài ngày tới. Riêng tại huyện A Lưới, dự kiến thu hoạch xong sau ngày 15/9.
Anh Đặng Duy Trung ở xã Hương Phong chia sẻ, số diện tích lúa đến nay vẫn chưa thu hoạch chủ yếu các giống nếp đều do gieo cấy muộn so với khung lịch thời vụ. Mặc dù lúa chưa chín đều và thiếu nắng để phơi, nhưng hiện bà con vẫn quyết định gặt với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Liên tục hai ngày nay, nông dân dùng máy gặt đập liên hợp thu hoạch đến 11-12 giờ đêm, hiện vẫn còn khoảng 30ha chưa gặt xong. Nếu không có mưa vào buổi chiều, tối thì các diện tích trên sẽ thu hoạch xong trong vài ngày đến.
Nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đang khẩn trương thu hoạch sắn nhằm tránh thiệt hại do mưa lũ có thể đến sớm. Vụ sắn năm nay, trên địa bàn tỉnh gieo trồng khoảng 4.030ha, hiện đang đến mùa thu hoạch. Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch khoảng 400ha. Ông Hà Văn Huy ở Hương Xuân (TX. Hương Trà) chia sẻ, rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, năm nay nông dân tranh thủ gieo trồng sớm nên đến nay phần lớn diện tích sắn đều đến kỳ thu hoạch, dự kiến thu hoạch xong trước lũ.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Hồ Đính đánh giá, nhìn chung vụ sắn năm nay tính đến thời điểm này đạt năng suất khá cao. Nếu không ảnh hưởng do mưa lũ thì đây là vụ mùa thắng lợi đối với người trồng sắn. Ngành nông nghiệp cùng các địa phương đang vận động bà con tranh thủ thu hoạch sắn tránh lũ. Đặc biệt, tại các vùng thấp trũng như Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, TX. Hương Trà... phải đẩy nhanh tiến độ thu hoạch.
Với thời tiết bất thường như hiện nay, có thể người dân cũng sẽ thu hoạch sắn thâu đêm tránh lũ. Ngành nông nghiệp, các địa phương đã làm việc với nhà máy, doanh nghiệp thu mua sẵn sàng phương tiện, nhân lực để thu mua, vận chuyển sắn cho người dân. Tùy thuộc vào chất lượng từng loại sản phẩm, các nhà máy, doanh nghiệp có biện pháp thu mua với giá ổn định với phương châm “đôi bên cùng có lợi”, tuyệt đối không để nông dân thiệt hại.
Vụ rau màu năm nay, toàn tỉnh gieo trồng trên 3.000ha như cải, xà lách, hành, ngò... Các vụ rau năm nay gặp thời tiết thuận lợi nên được mùa và bán được giá. Hiện vẫn còn nhiều diện tích rau vụ đông vẫn chưa thu hoạch xong. Các địa phương đang vận động nông dân tập trung thu hoạch rau màu ở những vùng thấp trũng để tránh thiệt hại do mưa lũ.
Những đồng rau vùng cao, người dân gia cố, xử lý kênh mương, bờ bao đảm bảo tiêu thoát nước nhanh, chống ngập úng để đảm bảo nguồn cung trong mùa mưa lũ. Tại huyện Quảng Điền, cơ sở sơ chế rau sạch Hóa Châu, Hợp tác xã Nông nghiệp Kim Thành... sẵn sàng thu mua rau màu của nông dân với số lượng lớn để sơ chế, dự trữ, cung cấp nguồn rau sạch tại các siêu thị, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mùa mưa lũ.
Đến thời điểm này, phần lớn diện tích thủy sản nuôi trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đều thu hoạch cơ bản xong. Còn lại một số lồng bè nuôi cá “vượt lũ” ở huyện Phú Lộc, Quảng Điền, Phú Vang... người dân đang thu hoạch tỉa, số còn lại sẽ được bảo vệ phục vụ nhu cầu tiêu thụ sau lũ và trong dịp tết. Riêng cá trắm cỏ, diêu hồng nuôi trên sông Bồ, sông Hương, Đại Giang... đến thời điểm này vẫn còn nhiều lồng bè vẫn chưa thu hoạch.
Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo, các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân khẩn trương thu hoạch cá nuôi lồng trên sông đã đến kỳ thu hoạch hoàn thành trước khi mưa lũ đến. Với số lồng cá còn quá nhỏ chưa thể thu hoạch thì người dân cần phải có biện pháp giằng néo, bảo vệ an toàn theo sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ thủy sản, chính quyền địa phương. Trong khi lũ xảy ra, người dân không nên thu hoạch cá, không lưu lại trên lồng bè nhằm tránh nguy hiểm đến tính mạng. Riêng đối với nuôi tôm trên cát, người dân cần chuẩn bị đầy đủ thiết bị, máy móc, máy phát điện dự phòng, thuốc men... nhằm bảo vệ an toàn trong mùa mưa bão.