Dự án Cảng cá Tư Hiền kết hợp khu neo đậu tránh, trú bão đang triển khai thi công |
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh chịu tác động từ 3-4 cơn bão và 10-12 trận mưa, mưa lớn. Trong đó, thiên tai bão lụt tập trung từ cuối tháng 9/2023 và kéo dài đến đầu năm 2024. Các công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi chịu tác động của sóng biển, vùng cửa sông, đầm phá luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và thiệt hại trong mùa mưa lũ.
Đến nay, Dự án Cảng cá Tư Hiền kết hợp khu neo đậu tránh, trú bão (huyện Phú Lộc) do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, đang thi công những hạng mục cuối để về đích trong năm 2023. Quy mô của công trình gồm xây dựng đê ngăn cát, giảm sóng phía Bắc dài 320m, đê ngăn cát, giảm sóng phía Nam dài 300m, bến cập tàu và nhà cá khoảng 1.440m2, nạo vét luồng lạch và khu neo đậu khoảng 220.000m3. Ngoài ra, xây dựng hệ thống mương, cụm cấp nước, cụm xử lý nước thải và thiết bị hạ tầng cảng.
Hiện tổng khối lượng xây lắp công trình đạt khoảng 90%. Trong đó, đê ngăn cát, giảm sóng phía Bắc thi công đạt 83%, đê ngăn cát, giảm sóng phía Nam thi công đạt 95%, nạo vét luồng lạch và hoàn trả đường giao thông đạt 35%. Theo đánh giá của chủ đầu tư, ngoài các hạng mục trên bờ thì việc thi công các hạng mục gần mặt nước luôn chịu sự tác động mạnh của sóng biển, đặc biệt trong mùa mưa bão như hiện nay.
Dự án cầu cửa biển Thuận An (TP. Huế) đang triển khai thi công |
Ông Thái Văn Phúc, Trưởng phòng Quản lý và Xây dựng công trình, Sở NN&PTNT cho biết, để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm nay, chủ đầu tư đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai, bão lũ theo quy định. Theo đó, yêu cầu nhà thầu thi công khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục. Các hạng mục chính có thể ảnh hưởng trực tiếp như tuyến đê ngăn cát, giảm sóng, hiện nay đang tập trung thi công hoàn thành khối lượng còn lại trước mùa mưa bão năm nay. Nhà thầu thi công cần có phương án gia cố lán trại, tập kết vật liệu thi công an toàn trong mùa mưa lũ và chuẩn bị vật tư, nhân lực ứng phó các tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Tương tự, tại Dự án Xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, Phú Hải (Phú Vang), chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh cũng yêu cầu nhà thầu thi công lập bảng tiến độ thi công tổng thể và tiến độ thi công chi tiết đối với từng hạng mục công trình. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thi công tất cả các hạng mục, tăng ca, tăng kíp. Những hạng mục công trình bị ảnh hưởng mưa bão không thể đẩy nhanh tiến độ, nhà thầu phải lập lại tiến độ thi công cho những hạng mục này nhằm đẩy nhanh thi công khi điều kiện thời tiết thuận lợi để đáp ứng tiến độ thi công tổng thể công trình.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh thông tin, đối với các công trình như đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; tuyến đường bộ ven biển và cầu Thuận An do đơn vị làm chủ đầu tư đến nay tiến độ thi công và tiến độ giải ngân vốn đáp ứng theo yêu cầu đề ra. Do đặc thù công trình thi công trong vùng cửa biển, trên sông nước nên yêu tố an toàn thi công trong mùa mưa bão cận kề luôn được chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công chuẩn bị kỹ lương thông qua phương án ứng phó bão lũ cho công trình.
Mới đây, trong cuộc rà soát về công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đã yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các công trường đang thi công, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông, suối, kênh, sườn dốc. Đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ. Kiểm tra, rà soát công tác quản lý đô thị và hoạt động xây dựng để hạn chế xảy ra sự cố sạt lở, sớm khắc phục tình trạng ngập úng tại các đô thị, khu dân cư khi mưa lớn.