Ấn Độ có thể đã trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào đầu năm nay, nhưng tỷ lệ sinh đang sụt giảm mạnh. Ảnh: Yale360

Ấn Độ có thể đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào đầu năm nay, nhưng nước này đang phải đối mặt với tỷ lệ sinh sụt giảm mạnh.

Các trường hợp mắc bệnh về lối sống đang gia tăng ở quốc gia Nam Á này, trong khi các yếu tố kinh tế và xã hội đang thay đổi đã khiến người dân địa phương kết hôn muộn hơn.

Số liệu thống kê chính thức gần đây cho thấy tỷ lệ sinh chung ở Ấn Độ đã giảm 20% trong 10 năm qua.

Các bác sĩ cảnh báo, vô sinh cũng đang trở thành một vấn đề ngày càng gia tăng ở quốc gia này. Theo nghiên cứu của công ty chăm sóc sức khỏe Nova, khoảng 30 triệu người ở Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi tình trạng vô sinh.

Yếu tố lối sống

Béo phì, căng thẳng, hút thuốc và ô nhiễm là một số yếu tố góp phần làm giảm khả năng sinh sản, Tiến sĩ Sulbha Arora, Giám đốc lâm sàng của Nova IVF Fertility, cho biết.

Theo Tiến sĩ Arora, những xu hướng này khó có thể được cải thiện trong tương lai gần vì vấn đề chính ở đây là các yếu tố lối sống và lối sống dường như không được cải thiện.

Đồng thời, nhiều người Ấn Độ cũng đang cố gắng có con muộn hơn vì ngày càng có nhiều phụ nữ ra ngoài làm việc so với các thế hệ trước.

Các nhà phân tích cho rằng vấn đề vô sinh không nhận được nhiều sự quan tâm như cần được có, một phần vì Ấn Độ đã trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm nay với hơn 1,4 tỷ người.

Liên Hiệp Quốc dự đoán con số này sẽ tăng lên hơn 1,6 tỷ người vào năm 2050, trước khi bắt đầu giảm.

Điều này sẽ ngày càng đặt ra những thách thức về sức khỏe và kinh tế, khi số người trong độ tuổi lao động giảm xuống và Ấn Độ trở thành một xã hội già hóa.

Tăng tỷ lệ sinh

Trước Ấn Độ, nhiều nước phát triển cũng đã phải đối mặt với vấn đề tương tự và điều này tỏ ra khó có thể đảo ngược.

Để nâng cao tỷ lệ sinh, có nhiều bước có thể được thực hiện để giúp những cặp vợ chồng đang cố gắng thụ thai được tiếp cận với các phương pháp điều trị sinh sản, các chuyên gia Ấn Độ nói.

Tiến sĩ Sabine Kapasi, trưởng nhóm chiến lược toàn cầu ứng phó khẩn cấp của Liên Hiệp Quốc, cho biết: “Chúng tôi có thể tạo ra các hệ thống bảo hiểm… và làm cho chúng dễ dàng tiếp cận hơn để nếu một người hoặc một cặp vợ chồng chọn điều trị sinh sản thì đó sẽ không trở thành gánh nặng kinh tế đối với họ và không khiến gia đình rơi vào vòng xoáy suy sụp”.

Chi phí điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) bắt đầu từ khoảng 1.200 USD ở Ấn Độ, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người ở quốc gia có hàng chục triệu người vẫn đang sống dưới mức nghèo khổ.

Tuy nhiên, ngay cả khi các phương pháp điều trị sinh sản trở nên dễ tiếp cận hơn, vẫn còn những thách thức về mặt văn hóa ở Ấn Độ, khi người dân nước này thường đặc biệt chú trọng khả năng sinh sản tự nhiên.

Theo các y bác sĩ, ở Ấn Độ vẫn đang tồn tại sự kỳ thị xã hội và quan niệm sai lầm liên quan đến điều trị IVF ở Ấn Độ. Điều này đã buộc một số cặp vợ chồng phải che giấu sự thật rằng họ đã thụ thai một đứa trẻ thông qua IVF. 

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNA)