Ngành giáo dục đang thiếu hàng trăm nghìn giáo viên. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đôn đốc, kiểm tra và phối hợp với các địa phương trong việc khắc phục hiệu quả tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại các địa phương, bất cập giữa các cấp học, chưa đảm bảo đủ định mức giáo viên theo quy định, đặc biệt là giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương triển khai Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023-2024.
Đây là một trong những nội dung Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 10/9 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 vừa được Chính phủ ban hành.
Theo đó, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp bảo đảm sách giáo khoa và đội ngũ giáo viên cho năm học 2023-2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 747/CĐ-TTg ngày 16/8.
Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chuẩn bị tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 theo quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm nghiên cứu, công bố Phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận xã hội.
Bên cạnh đó, Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm hoàn thiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ trong quý 4/2023./.