Dừng lại ở 2 con

Trưa nắng gắt, hai vợ chồng anh Hồ Văn Lơn (36 tuổi) và chị Lê Thị Tham (33 tuổi), trú ở thôn 4, mới chịu nghỉ tay ở vườn cao su. Cả nhà 4 thành viên quây quần trong căn nhà khang trang. Chị Tham tâm sự, nhờ kế hoạch và cần cù lao động nên gia đình luôn hạnh phúc. Năm 2000, anh chị cưới nhau rồi sinh con đầu lòng. Mảnh đất vùng cao khó khăn, họ bàn bạc kế hoạch sinh con, quyết tâm dừng lại ở hai con và giãn khoảng cách giữa hai lần sinh. Đúng như dự tính, 6 năm sau, chị Tham sinh thêm một bé trai. “Chúng tôi thống nhất với nhau sinh 2 đứa thôi. Sinh nữa không có điều kiện nuôi con ăn học tốt”, chị Tham nhấn mạnh.
Vợ chồng chị Hương bằng lòng với hai con gái, quyết tâm không sinh con thứ 3
Gia đình anh Hồ Văn Nha và chị Trần Thị Hương, trú tại thôn 5 cũng dừng ở hai con gái. Bỏ ngoài tai lời khuyên sinh thêm con để có người nối dõi, anh chị kiên quyết: “Không sinh nữa, con gái cũng chẳng sao, còn nhiều người muốn có con gái mà không được”. Chị Hương bày tỏ: “Cuộc sống phải biết vươn lên mà con đông quá thì khó làm giàu nổi”.
Hai gia đình kể trên chỉ là minh chứng cho rất nhiều cặp vợ chồng ở xã Hương Sơn nhận thức được tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ.
 
Quyết tâm vận động
Xã Hương Sơn có 7 thôn, trong đó 86% là người Cơ Tu, còn lại là các dân tộc Tà Ôi, Vân Kiều và rất ít người Kinh. Ngoài 1 cán bộ chuyên trách dân số, địa phương còn có 8 cộng tác viên dân số phụ trách đến tận các gia đình ở từng thôn, bản để vận động.
Anh Nguyễn Ngọc A Rưn, Trưởng trạm y tế xã Hương Sơn cho biết, các ban ngành ở địa phương rất quan tâm đến công tác DS-KHHGĐ, đây cũng là nhiệm vụ hàng đầu mà ngành y tế địa phương quyết tâm thực hiện. “Thuận lợi nhờ nhà nước hỗ trợ các dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ và quy ước, hương ước của bản làng trong việc vận động người dân không sinh con thứ ba, nên ý thức của bà con ngày càng được cải thiện. Năm 2014 có 2 trường hợp sinh con thứ ba, đầu năm 2015 đến nay chỉ có 1 trường hợp vi phạm và chưa phát hiện người mang thai con thứ 3”, anh A Rưn kể.
Hằng năm, xã Hương Sơn có 3 đợt khám và nhiều chương trình tư vấn, tuyên truyền, vận động CSSKSS–KHHGĐ. Anh Trần Xuân Dũng, cán bộ chuyên trách dân số xã Hương Sơn cho biết, ngoài phối hợp với các ban ngành địa phương triển khai các nội dung, nhiệm vụ, thường xuyên trực báo, ngành y tế ở đây còn phối hợp chặt chẽ với đài truyền thanh xã, phát những nội dung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức người dân về CSSKSS–KHHGĐ. Ngoài công tác vận động không sinh con thứ ba, địa phương cũng quyết tâm ngăn chặn tình trạng nạo, phá thai. “Năm 2013, cả xã có 5 cặp vợ chồng phá thai do ngoài ý muốn, năm 2014 xảy ra 1 trường hợp và năm nay chưa phát hiện. Vấn đề này chúng tôi phối hợp rất chặt chẽ với cộng tác viên dân số ở thôn bản để nắm tình hình, đưa ra giải pháp ngăn chặn kịp thời và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ở đối tượng vị thành niên. Nếu trẻ vị thành niên không được vận động tốt, khả năng sẽ xảy ra nạn tảo hôn”, anh Dũng nói.
Bằng những nỗ lực ấy, năm 2010, thôn Ka Dăng và A Lốt của xã Hương Sơn được công nhận thôn 5 năm liền không có hộ sinh con thứ ba. Hương Sơn cũng chuẩn bị công nhận cho thôn 1 và thôn 6 vì đã thực hiện tốt phong trào này giai đoạn 2011-2015.
Bài, ảnh: Hữu Phúc – Hữu Tin