Với những quy định mới của Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hàng loạt “ông lớn” trong hệ thống ngân hàng đã công bố sẽ áp dụng cho vay đối với những khách hàng có nhu cầu vay vốn để trả nợ trước hạn cho các ngân hàng khác. Có ngân hàng còn công bố, ngoài chính sách nói trên ngân hàng còn hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng, tức là cho vay cả tiêu dùng. Chính sách này được các ngân hàng áp dụng là bởi những sửa đổi của Thông tư 06 có quy định “Tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ trước hạn khoản vay tại tổ chức tín dụng khác phục vụ nhu cầu đời sống, thay vì chỉ quy định đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh” như trước đây, tức là nới rộng phạm vi cho vay.
Nói nôm na, khách hàng được phép vay của ngân hàng A để trả nợ trước hạn cho ngân hàng B (với những mục đích nói trên).
Dưới góc nhìn dư nợ tín dụng, chúng ta thấy, việc vay ngân hàng này trả nợ trước hạn cho ngân hàng kia, dư nợ cụ thể ở từng ngân hàng thì có thể biến động. Ví dụ, khi khách hàng vay một khoản tín dụng ở ngân hàng A thì dư nợ tín dụng ở ngân hàng này sẽ tăng lên. Khoản vay này được trả cho ngân hàng B thì dư nợ tín dụng ở ngân hàng B sẽ sụt xuống. Như vậy, tính về tổng thể dư nợ trong hệ thống sẽ không tăng lên do tính chất “bù trừ”. Nói một cách khác, các khoản vay này không đi vào nền kinh tế thực, tức là nền kinh tế sản xuất ra hàng hóa!?
Giải ngân ở Ngân hàng OCB |
Một chính sách của ngân hàng được ban hành để thúc đẩy cho vay thường là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Nhưng rõ ràng như trên đã nói - vay của ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác, nghĩa là không thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thế thì mục đích của chính sách này để làm gì?
Qua công bố chính sách cho vay của một số ngân hàng, chúng ta thấy nó tác động lên xu hướng lãi suất, đó là ngày càng thấp hơn. Đối với các khoản vay ngắn hạn, có ngân hàng công bố lãi suất vay chỉ từ 6%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn. Đối với các khoản vay trung và dài hạn chỉ từ 6,8%/năm, thậm chí còn thấp hơn. Điều này cho thấy, các ngân hàng cạnh tranh hơn về lãi suất để cho vay. Có lẽ do sự cạnh tranh này mà lãi suất hạ xuống, khách hàng được lợi. Đây chính là mong muốn của Chính phủ khi yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có giải pháp kéo giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tổng dư nợ tín dụng có tăng hay không chính là ở việc mở rộng cho vay nhu cầu tiêu dùng, tất nhiên là phải có tài sản thế chấp. Điều này phụ thuộc vào việc xem xét khả năng trả nợ của khách hàng. Nếu khách hàng có tài sản đảm bảo tốt, có nhu cầu vay vốn ở mảng tiêu dùng thì chúng ta kỳ vọng dư nợ tín dụng sẽ tăng thêm.
Đấy là quy định, là việc công bố chính sách về lãi suất của các ngân hàng. Song khả năng, có thể sẽ ít có biến động nhiều về việc khách hàng đi vay ngân hàng này để trả trước hạn ngân hàng kia. Lý do? Trong điều kiện nhiều ngân hàng công bố lãi suất cạnh tranh, thì các ngân hàng khác cũng phải xem xét lại các điều kiện để giữa khách hàng, nếu đó thật sự là các khách hàng tốt. Đơn giản là vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng cần khách hàng và càng cần khách hàng hoạt động tốt, có tiềm năng phát triển. Đó là nhìn nhận về phía ngân hàng. Còn về phía khách hàng - người vay, trong làm ăn bao giờ cũng hình thành những mối quan hệ, có thể gọi là bạn hàng truyền thống. Họ đã xây dựng những mối quan hệ hỗ trợ tín dụng, có thể là rất nhiều năm. Vì vậy mà không phải “đùng” một cái, chỉ vì lãi suất ngân hàng kia thấp hơn chút ít mà họ từ bỏ bạn hàng truyền thống.
Dù sao, xu hướng hạ lãi suất cũng đã tốt cho người có nhu cầu vay, cho hoạt động DN, nói rộng ra là cho nền kinh tế.