Cầu qua cửa Thuận An đã nên “hình hài” sau 18 tháng triển khai thi công 

Phạm vi GPMB cho giai đoạn 1 của dự án thuộc địa bàn xã Hải Dương và phường Thuận An (TP. Huế) với tổng diện tích đất thu hồi khoảng hơn 31ha. Trong đó, xã Hải Dương thu hồi khoảng hơn 19,6ha, ảnh hưởng đến khoảng 600 lăng mộ, đất trồng lúa và đất nuôi trồng thủy sản của 180 hộ dân; phường Thuận An thu hồi khoảng 12,1ha, ảnh hưởng 4,1ha đất rừng phòng hộ, 300 mộ xây và nhà cửa vật kiến trúc của khoảng 120 hộ dân.

Công tác GPMB được Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế thực hiện từ tháng 3/2022 và đến nay đối với xã Hải Dương đã hoàn tất công tác kiểm kê mồ mả (642 cái). Trong đó, đã hoàn tất công khai phương án đền bù và trình Phòng TN&MT TP. Huế thẩm định với 609 mộ xây và mộ đất của 97 hộ gia đình. UBND thành phố cũng đã phê duyệt với giá trị đền bù là hơn 8 tỷ đồng. Hiện đã có 70 hộ nhận tiền tạm ứng di dời mồ mả với số tiền là 5,2 tỷ đồng. Các trường hợp còn lại chưa nhận tiền vì các lý do như chưa liên hệ được, đã đi nước ngoài, chưa thống nhất được vị trí đến. Số mộ đã di dời đến cuối tháng 8/2023 là 186 cái.

Đối với 90 trường hợp còn lại có đất trồng lúa và đất nuôi trồng thủy sản nằm tập trung vướng mặt bằng thi công đoạn 1,4km đầu tuyến Hải Dương, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế đã phối hợp với UBND xã Hải Dương tiến hành vận động để các hộ bàn giao mặt bằng trước, sau khi có quyết định phê duyệt các hộ sẽ tiến hành nhận tiền. Trên cơ sở buổi vận động, các hộ gia đình, cá nhân có khoảng 35/90 hộ đã đồng ý. Thời gian tới tiếp tục vận động để các hộ bàn giao và có mặt bằng sẽ bàn giao ngay cho chủ đầu tư thi công.

Đối với phường Thuận An, đến nay phạm vi 4,1ha đất rừng phòng hộ (trong đó có 3,9ha rừng), đã hoàn thành công tác GPMB. Đã kiểm kê áp giá bồi thường xong khoảng 320 lăng mộ các loại của 87 hộ. UBND TP. Huế đã ban hành quyết định về việc phê duyệt giá trị bồi thường, hỗ trợ về mồ mả với số tiền hơn 2,47 tỷ đồng. Hiện nay, các hộ gia đình, cá nhân đã và đang liên hệ Trung tâm Phát triển quỹ đất để nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và di dời theo trình tự quy định. Số mộ đã di dời đến nay là 22 cái.

Thi công Dự án đường ven biển và cầu qua cửa Thuận An

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế, đến nay mồ mả ở khu vực Hải Dương đã được phê duyệt. Tuy nhiên một bộ phận người dân vẫn chưa tiến hành di dời gây khó khăn cho việc thi công. Chủ đầu tư kiến nghị địa phương vận động người dân đẩy nhanh công tác di dời, bàn giao mặt bằng để thi công phần cầu từ đuôi mố M1 đến trụ T5.

Đề nghị tập trung GPMB đoạn 1,4km đầu tuyến phía Hải Dương để thi công phần đường dẫn. Đồng thời, Sở GTVT cũng đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh đề nghị đẩy nhanh việc phê duyệt quy hoạch phường Thuận An để có cơ sở trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, đưa khu đất dự kiến chuyển vị trí sân bay dã chiến mới vào dự án và thực hiện các bước tiếp theo.

Dự án tuyến đường ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa biển Thuận An nối xã Hải Dương với phường Thuận An giai đoạn 1 do Ban QLDA Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Công trình có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, được khởi công xây dựng vào tháng 3/2022, thực hiện với thời gian 3 năm do liên danh nhà thầu Công ty CP Xây dựng Tân Nam - Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương - Công ty 479 Hòa Bình thi công. Quy mô tuyến dài gần 8km, trong đó phần cầu dài khoảng 2,36km, mặt cắt ngang tuyến 26m, bề rộng 20m.

Theo Ban QLDA Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh, tổng số vốn đã bố trí cho dự án hơn 1.252 tỷ đồng. Trong đó năm 2023 là 600 tỷ đồng. Đến nay tổng số vốn đã giải ngân hơn 1.038 tỷ đồng. Trong đó, năm 2023 là 385,963 tỷ đồng, đạt khoảng 64,33%. Hiện các nhà thầu thi công đang tập trung nhân, vật lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình theo kế hoạch.

Ghi nhận của PV tại công trường, cầu vượt cửa biển Thuận An sau 18 tháng thi công đang dần rõ “hình hài” với khoảng 300 công nhân cùng các máy móc đang tăng ca triển khai thi công. Hiện, nhà thầu thi công đã hoàn thành một số hạng mục chính như cọc khoan nhồi các trụ cầu, thi công thân trụ, đổ bê tông được 139/326 dầm, với tổng giá trị xây lắp đã thực hiện khoảng hơn 780 tỷ đồng, đạt khoảng 37,36%.

Theo thiết kế, dự án có đến 50 trụ cầu, trong đó có 2 mố cầu. Đến nay, chỉ còn trụ T1 đến T5 ở xã Hải Dương do chưa có đường công vụ nên chưa triển khai được, còn các trụ khác đang được liên danh các nhà thầu triển khai đáp ứng tiến độ.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh thông tin, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thi công tất cả các hạng mục, tăng ca, tăng kíp. Những hạng mục công trình nguy cơ bị ảnh hưởng mưa bão mà không thể đẩy nhanh tiến độ, nhà thầu phải lập lại tiến độ thi công cho những hạng mục này, đẩy nhanh thi công để đáp ứng tiến độ thi công tổng thể.

Đồng thời, đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị khẩn trương thi công dứt điểm các hạng mục thường xuyên bị ngập nước do mưa lũ và hoàn thành công tác di chuyển máy móc, lán trại, nhân lực ra khỏi những khu vực dưới nước trước mùa mưa lũ 2023.

Mục tiêu của Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An là hình thành tuyến đường du lịch ven biển đi dọc bờ biển tỉnh. Trong đó, theo thiết kế vị trí xây dựng tuyến đi vào gần bờ biển hơn (cách bờ biển không quá 1km, một số nơi cục bộ không đi xa biển quá 2km) nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hình thành các đô thị ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương. Đồng thời, kết nối thông suốt với tuyến đường bộ ven biển quốc gia đã quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải theo hướng Bắc - Nam và tăng tính kết nối đến các cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm ven biển miền Trung.


Bài, ảnh: Hà Nguyên