Sáng gặp nhau làm ly cà phê trước khi đi vào công việc thường nhật, ông bạn cùng bàn thông báo tin nóng sốt: “Đường vào xóm tui sắp được mở rộng, láng lại mặt đường. Mai mốt các ông lên nhà tui chơi cũng đỡ vất vả.”
Hỏi bao giờ khởi công thì ông ậm ừ, bởi đang còn phải vận động dịch hàng rào, bờ dốc bê tông (phục vụ cho việc đánh ô tô, xe máy vào ra nhà) ở không ít hộ gia đình, nên cũng chưa biết đến bao giờ.
Rồi ông bức xúc: Đường xóm nhưng nhiều nhà họ cứ làm như đất của họ, riêng cái bợt bê tông dắt xe, cứ mỗi nhà mỗi cái liên tiếp nhau như thế khiến đường xóm đã hẹp càng thêm hẹp, chạy xe ngang qua cứ cảm giác như mình đang chạy xe ở lòng chảo của sân vận động vậy. Tui đây cũng đã vài lần bị xìa xe “đo đường”, may mà chưa bị gì nặng lắm. Đó là chưa kể nạn cho hàng rào, trụ cổng tiến ra đường cho sân nhà mình được rộng hơn chút nhưng không thấy ai nhắc. Nhà này tiến được thì nhà khác tiến được, nhiều năm lưu cữu, nay giải quyết cũng là cả vấn đề!
Mới 5 giờ chiều, ô tô, xe tải đã lục tục trở về...gara trên đường Phan Đình Phùng đoạn gần cầu An Cựu |
Chuyện của xóm ông bạn khiến tôi liên tưởng đến cái xóm cũ thân thương của tôi bên dòng An Cựu. Sinh ra và lớn lên ở đây, tôi nhớ như in cái ngõ xóm rợp mát, thoáng đãng, hai bên là đôi bờ rào chè tàu xanh mướt.
Nay, đôi bờ rào xanh bị chặt bỏ thay bằng bờ lô. Mà rất vui là gia chủ của nó không đào móng ở gốc chè tàu, cứ căn cứ cái ngọn mà đào, xây. Trong xóm thì sợ mất lòng, chính quyền lại không chủ động xử lý. Nên bây chừ đường xóm nó trở nên cong queo, chật hẹp đến thảm. Mà đó không phải là cá biệt nên nay giải quyết hậu quả mới… chết.
Từ chuyện đường xóm hồi xưa lại liên tưởng đến chuyện đường lớn hồi nay. Xin được gọi nôm na cho các con đường to đường nhỏ khắp phố xá như thế. Sống ở thành phố lâu năm, có lẽ ai cũng nhận thấy, tuyệt đại đa số các con đường đều đã được đầu tư, nâng cấp, mở rộng. Vậy mà sao mãi vẫn thấy có vẻ không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại.
Ấy là vì dân số ngày mỗi đông, phương tiện giao thông, nhất là ô tô ngày mỗi nhiều, nên đường mãi vẫn thấy hẹp. Điều ấy có, song phải kể thêm một nguyên nhân nữa, ấy là rất nhiều người có ô tô nhưng không có chỗ đỗ, thế là, thấy lòng đường chỗ nào không có biển cấm thì chiếm luôn làm… “gara riêng”.
Ô tô đôi lúc trùm bạt, đỗ cả ngày lẫn đêm, không chỉ gây bất tiện, mà còn cả gây mất an toàn giao thông. Như các tuyến đường Phan Đình Phùng, Phan Chu Trinh chẳng hạn, nhất là ở đoạn từ cầu Kho Rèn đến cầu An Cựu, chiều chiều cứ thử đến đấy mà xem, ô tô các loại, từ 4 chỗ, 7 chỗ, xe ben, xe tải đậu ken dày chiếm hết một phần lòng đường. Phải chờ đến hôm sau, khi các phương tiện tỏa đi thì lòng đường mới được trả lại (!) Hay như ngay chân dốc Bến Ngự sát gác chắn đường sắt, một chiếc ô tô 4 chỗ cứ thấy đỗ mãi ở đó. Gặp khi có tàu đến, dòng phương tiện phải đứng chờ đông đặc. Tàu qua, dòng xe di chuyển, đến lúc này, ở vị trí chiếc ô tô đỗ biến thành cái nút thắt cổ chai, rất vất vả và phiền toái cho lưu thông.
Ở đường Trần Phú (TP. Huế) |
Hoặc nữa, thời gian gần đây, trên đường Thanh Hải (phường Trường An), chỗ phía trước nghĩa trang mang tên cụ Phan Bội Châu bỗng đâu xuất hiện một chiếc xe ben lọai lớn. Chiếc xe to tổ chảng cứ thế đậu chình ình cả đêm lẫn ngày, bất chấp đường Thanh Hải vốn chẳng rộng rãi gì...
Xã hội ngày càng nhiều ô tô, nhiều phương tiện xe, máy là đáng mừng bởi nó phản ánh được cuộc sống ngày càng phát triển, giàu có. Tuy nhiên, ô tô nhiều, phương tiện xe máy nhiều mà chỗ đậu đỗ thiếu hoặc không có lại là sự bất cập, thậm chí trở thành vấn nạn, gây bức xúc cho xã hội.
Đường sá chưa kịp, chưa đủ nguồn lực để đầu tư đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của các phương tiện giao thông là bất cập bất khả kháng và buộc phải chấp nhận. Nhưng nhiều phương tiện giao thông, phục vụ thi công công trường (ô tô, xe ben, xe tải…) lại cứ biến lòng đường làm gara, đậu đỗ thường xuyên là tình trạng không thể chấp nhận và không nên tồn tại kéo dài.
Không chỉ có đường lớn, cả những con hẻm nhỏ (như con hẻm trên đường Điện Biên Phủ này) cũng bị ô tô chiếm dụng |
Để giải quyết vấn đề này, một số ý kiến đề xuất nên có quy định bắt buộc người muốn sắm ô tô phải chứng minh mình có chỗ đỗ, tuy nhiên, như vậy thì có vẻ hơi cực đoan.
Theo chúng tôi, trước mắt, nên rà soát, sử dụng hợp lý các không gian công cộng; song song đó là vận động, cho phép các công sở có sân bãi rộng cho thuê với giá khuyến khích để giải quyết tình trạng lòng đường bị ô tô, xe tải… chiếm dụng làm gara như diễn ra lâu nay. Về lâu dài, các địa phương, nhất là khu vực đô thị cần phải quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh với tầm nhìn xa, đó mới là giải pháp căn cơ. Giải pháp tuy không mới, được nhiều người đề cập nhưng xem chừng việc triển khai vẫn đang còn rất hạn chế.