Các ngân hàng đang thúc đẩy cho vay trả nợ cho ngân hàng khác 

Cơ hội tăng trưởng tín dụng

Thông tư 06/2023/TT-NHNN (TT06) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã mở rộng thêm quy định cho khách hàng cá nhân vay vốn ngân hàng này để trả nợ tiêu dùng cho ngân hàng khác. Sau khi chính sách này có hiệu lực, nhiều ngân hàng đã triển khai các chương trình cho vay trả nợ ngân hàng khác.

Theo khảo sát, trên địa bàn đang có 2 ngân hàng triển khai gói lãi suất ưu đãi cho vay để trả nợ ngân hàng. Trong đó sớm nhất là Vietcombank. Ngân hàng này triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu, hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu. Về sau, Vietcombank sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.

BIDV là ngân hàng thứ 2 giới thiệu chương trình cho vay để trả nợ ngân hàng khác. Theo đó, ngân hàng này đưa ra mức lãi suất 6%/năm trong năm đầu vay vốn. Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại. Thời gian ân hạn gốc có thể lên đến 24 tháng và không vượt quá thời gian ân hạn trả nợ gốc còn lại của khoản vay. Thời hạn cho vay đến 30 năm và không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại tổ chức tín dụng khác.

Cùng với thực hiện chủ trương của Chính phủ về xem xét hạ lãi suất cho vay, giữa tháng 8, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng trên địa bàn yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây được xem là tín hiệu tích cực của các ngân hàng lớn nhằm cải thiện tăng trưởng tín dụng.

Bởi theo số liệu từ Cục Thống kê, 8 tháng đầu năm, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn chỉ ước đạt 75,2 nghìn tỷ đồng chỉ tăng 2,09%. Để đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14% thì việc các ngân hàng triển khai cho vay để trả nợ ngân hàng khác, giảm lãi suất để tăng khả năng hấp thụ vốn được cho là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

 Vietcombank đang triển khai cho khách hàng vay để trả nợ ngân hàng khác

Còn nhiều mối bận tâm

Trước đây, nếu muốn đảo khoản nợ giữa các ngân hàng, khách hàng phải sử dụng một tài sản khác để thế chấp vay từ ngân hàng này, trước khi trả nợ và rút tài sản đảm bảo ở khoản vay cũ. Tuy nhiên với quy định mới này, khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, có thêm cơ hội chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các ngân hàng khác nếu có nhu cầu. Theo ghi nhận, một số khách hàng đang có khoản vay tiêu dùng, vay mua nhà… đã bắt đầu liên hệ với ngân hàng triển khai cho vốn để hỏi về triển khai chính sách mới.

Chị Quỳnh Anh, TP. Huế đang khá vất vả khi hàng tháng đều phải trả lãi vay thả nổi 12,5% (cách đây 1 tháng lãi suất phải trả là 14%) cho khoản vay 700 triệu đồng đầu tư bất động sản năm 2022. Nhiều lần chị định thế chấp mảnh đất đã mua để vay vốn ngân hàng khác để trả cho ngân hàng hiện tại, nhưng khu đất mới định giá không đảm bảo cho khoản vay cũ nên chị khá lo lắng. Vì thế khi nắm bắt được thông tin các ngân hàng triển khai cho vay trả nợ ngân hàng khác, chị rất vui và đang tìm hiểu các thông tin cụ thể tại các ngân hàng đang triển khai với hy vọng sẽ giảm bớt áp lực về lãi suất.

Chị Quỳnh Anh hy vọng, các thủ tục thực hiện vay vốn để trả nợ ngân hàng khác sẽ đơn giản chứ không quá phức tạp.

Dù được đánh giá giảm áp lực cho khách hàng vay vốn khi có thể tiếp cận ngân hàng với lãi suất thấp hơn để trả cho dư nợ hiện hữu, song thực tế nhiều người vẫn đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng hỗ trợ từ chính sách này, nhất là xung quanh phí trả nợ trước hạn và các chi phí phát sinh khác.

Chị Đào Thị Tình (TP. Huế) cho hay, theo hợp đồng chúng tôi ký với ngân hàng, trong 5 năm đầu vay vốn, nếu khách hàng trả hết gốc thì phải trả 2% phí trả nợ trước hạn. Do không rành về các kiến thức tài chính nên tôi cũng rất băn khoăn liệu khoản lãi suất ưu đãi thời gian đầu mà các ngân hàng đang áp dụng có bù đắp đủ khoản phí trả nợ trước hạn không. Hay sau khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất ngân hàng mới liệu có thấp hơn so với ngân hàng cũ hay vẫn tương đương.

Những băn khoăn của chị Tình hoàn toàn có cơ sở. Vì thế, trước khi tiếp cận với chương trình cho vay này, khách hàng cũng cần tìm hiểu kỹ và tính toán lại các chi phí liên quan nếu có để khỏi “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”.

Bài, ảnh: Hoàng Anh