Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định, những năm qua, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và những điều kiện khách quan để đạt được kết quả khả quan. Trong 8 tháng đầu năm 2023, Thừa Thiên Huế đón đến 2,4 triệu lượt khách, đóng góp lớn vào bức tranh phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Phiên tọa đàm tại Hội nghị Kết nối du lịch Huế 2023 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mong muốn đẩy mạnh sự hợp tác với các ngành, địa phương, doanh nghiệp trong cả nước. Việc liên kết hợp tác theo nhiều hình thức để phát triển du lịch sẽ cho phép khai thác, phát huy được những lợi thế về tài nguyên du lịch, hạ tầng, cơ sở vật chất và các nguồn lực khác của địa phương; góp phần giải quyết những vấn đề đang còn trăn trở của du lịch Cố đô. Tỉnh sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp để góp phần thúc đẩy du lịch Thừa Thiên Huế.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá Thừa Thiên Huế có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch; là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh của đa dạng vùng miền, địa hình của Việt Nam, gồm: rừng núi - vùng đồi - đồng bằng - đầm phá - biển.

Trong những năm qua, Huế đã và đang phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng mới của du khách; phát huy được giá trị di sản, văn hóa, lịch sử, xây dựng các khu, điểm du lịch tại các khu vực biển và đầm phá, sông, hồ, suối thác, các nghề, làng nghề truyền thống; phát triển dịch vụ du lịch tại Quần thể di tích Cố đô Huế, xây dựng Đề án phát triển kinh tế đêm tại Thừa Thiên Huế…

Bên cạnh kết quả đạt được thì du lịch Thừa Thiên Huế còn tồn tại nhiều hạn chế trong lĩnh vực đầu tư, phát triển thị trường, xúc tiến du lịch. Sản phẩm dịch vụ du lịch thiếu tính cạnh tranh, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của vùng. Bài toán làm sao giữ khách ở lâu, chi tiêu nhiều cũng là một trăn trở.

Đại diện các doanh nghiệp lữ hành trải nghiệm làm gốm ở làng cổ Phước Tích 

Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, để tiếp tục phát triển du lịch Huế, cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác đi vào thực chất giữa Thừa Thiên Huế với các tỉnh lân cận cũng như các thành phố lớn như Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... Liên kết cần cụ thể bằng các hoạt động, với sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành, các nhà đầu tư.

Thừa Thiên Huế cần xác định và tập trung phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội có lợi thế của tỉnh để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá các sản phẩm, chương trình du lịch thu hút du khách nhằm định vị lại thương hiệu. Bên cạnh đó, chuyển đổi số đang là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước với việc ban hành nhiều văn bản, nghị quyết chỉ đạo.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm hỗ trợ hiệu quả phục hồi du lịch là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt sau đại dịch COVID-19, chuyển đổi số đang là xu hướng mới trong kinh doanh và quản lý du lịch.

HỮU PHÚC