Người lao động bị thiệt đơn, thiệt kép vì ngoài việc không có tiền trang trải cuộc sống, họ cũng không có quyền lợi gì khi ốm đau do không thể tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình và gặp nhiều khó khăn khi chuyển việc mới khi chủ sử dụng lao động nợ bảo hiểm.

 
Nữ cán bộ BHXH tỉnh tư vấn cho người lao động các chính sách liên quan đến BHXH, BHYT 

Khốn đốn vì DN nợ bảo hiểm

Gặp chị Nguyễn Thị K., trước đây là công nhân may tại Công ty CP May xuất khẩu Khánh Hà, đóng tại phường Phú Bài, TX. Hương Thủy, khi chị đến BHXH tỉnh để chốt sổ và ra về với bộ dạng thất thần, buồn bã. Chị K. cho biết, tháng nào cũng đều đặn trích từ tiền lương để đóng BHXH với hy vọng sau này sẽ nhận được lương hưu và các chế độ khác. Vậy mà đã nghỉ việc 4 tháng nay, nhưng hiện vẫn chưa được chốt sổ để sau này đi xin việc làm mới do đơn vị nợ BHXH và chủ DN đã bỏ trốn. “Đang chuẩn bị đến ngày sinh nhưng thẻ BHYT hộ gia đình cũng không mua được nên sẽ không nhận được chế độ thai sản như những công nhân khác, đồng thời mọi chi phí sinh nở đều phải tự túc nên đã khó, giờ càng khó khăn hơn”, chị K. chia sẻ.

Khác với trường hợp chị K., ông P.V.D., công nhân tại Công ty CP Khoáng sản gạch men Thừa Thiên Huế, DN nợ BHXH gần 3 tỷ đồng, cho biết: “Suốt 5 năm qua, công ty vẫn thu tiền bảo hiểm của NLĐ đầy đủ, nhưng không đóng cho cơ quan BHXH. Đang giai đoạn kinh tế khó khăn nên hiện tôi vẫn tiếp tục làm việc, nhưng không được đóng BHXH, không được khám, chữa bệnh bằng BHYT nên rất lo”.

Còn trường hợp ông T.Q.M làm việc hơn 10 năm tại một DN ở huyện Phú Lộc nhưng đến khi nghỉ việc, để trang trải cuộc sống ông đi làm trợ cấp thất nghiệp. Trớ trêu thay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thông báo có 9 tháng không đóng BHXH nên chưa được giải quyết. “Theo quy định, trong thời gian 3 tháng kể từ ngày có quyết định nghỉ việc nếu không làm thủ tục hưởng thất nghiệp là bị quá hạn và không được giải quyết chế độ. Trong khi tiền BHXH công ty đang nợ chưa biết đến bao giờ mới trả, giờ không biết trông chờ vào đâu”, ông M. chia sẻ.

Bị nợ 2 tháng lương và 6 năm BHXH, chị Trần Thị H. quyết định thôi việc từ đầu năm 2023, sau nhiều năm gắn bó với Công ty TNHH MTV Takson Huế đóng tại Khu Công nghiệp Phú Bài. 47 tuổi, giờ đây, chị H. khó có thể xin được công việc mới khi sổ BHXH không chốt được, chưa kể nỗi lo khi tuổi già không có lương hưu. “Lúc đầu mình chỉ biết công ty gặp khó khăn nên nợ lương chứ không nghĩ nợ bảo hiểm. Đến khi nghỉ việc, đến cơ quan BHXH tỉnh chốt sổ để xin việc làm khác mới tá hỏa vì nghe thông báo công ty nợ 13 tháng BHXH với số tiền nợ hơn 8,5 tỷ đồng nên không thể chốt sổ, không thể mua thẻ BHYT. Giờ chẳng biết kêu cứu ở đâu để chốt sổ, tiếp tục công việc mới”, chị H. kể lại.

Nhiều người lao động không thể chốt sổ BHXH, mua BHYT vì đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH 

Gần 3.000 đơn vị nợ bảo hiểm

Qua tìm hiểu, hàng tháng, nhiều DN vẫn khấu trừ tiền đóng BHXH của NLĐ nhưng không nộp cho cơ quan BHXH. Thế nhưng, NLĐ không biết điều này cho tới khi cần giải quyết chế độ hoặc chốt sổ nghỉ việc, chuyển việc. Thậm chí, có một số chủ DN đã bỏ trốn trong khi còn nợ NLĐ hàng tỷ đồng tiền lương. Trong khi đó, NLĐ bị thiệt đơn, thiệt kép vì ngoài việc không có tiền trang trải cuộc sống, họ cũng không có quyền lợi gì khi ốm đau vì không thể mua BHYT hộ gia đình, lại còn khó khăn khi chuyển việc mới. Tại bộ phận một cửa của BHXH tỉnh, hiện mỗi ngày có hàng chục lao động đến làm thủ tục BHXH nhưng chưa được giải quyết chế độ do DN nợ BHXH, quyền lợi chính đáng của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều đáng nói, danh sách DN nợ BHXH ngày càng dài ra sau 3 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến ngày 31/7/2023 có 2.904 đơn vị nợ BHXH với tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hơn 255 tỷ đồng, chiếm 6,82% so với kế hoạch giao thu. Trong đó, riêng tiền nợ khó thu hồi tại DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn là 273 đơn vị với số tiền gần 33 tỷ đồng. Một số DN nợ số tiền lớn, như: Công ty TNHH MTV Takson Huế nợ 13 tháng với hơn 8,5 tỷ đồng, HTX Thương mại dịch vụ Thuận Thành 146 tháng với hơn 6 tỷ đồng, Công ty CP Xây dựng giao thông Thừa Thiên Huế 29 tháng với 5,3 tỷ đồng, Công ty TNHH Quốc Thắng 32 tháng với 3,7 tỷ đồng…

Nguyên nhân của tình trạng nợ, chậm đóng là vì nhận thức của một số DN chưa đầy đủ về việc thực hiện đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN hằng tháng. Tình trạng đơn vị sử dụng lao động làm ăn thua lỗ dẫn đến nợ đọng kéo dài, chủ yếu là DN tư nhân. Bên cạnh đó, việc nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, một số DN phải hoạt động cầm chừng, việc làm và thu nhập của NLĐ không ổn định dẫn đến không có khả năng đóng BHXH đúng hạn. Cá biệt cũng xuất hiện trường hợp đơn vị có biểu hiện cố tình không trả nợ BHXH, BHYT, BHTN để chiếm dụng tiền đóng BHXH của Nhà nước.

Ảnh hưởng quyền lợi người lao động

Theo lãnh đạo BHXH tỉnh, tình trạng các DN nợ BHXH, BHYT như hiện nay không chỉ gây khó cho cơ quan BHXH trong việc phấn đấu đạt mục tiêu về số NLĐ tham gia BHXH, BHYT và số thu theo kế hoạch mà còn khó khăn trong công tác thu hồi nợ và giải quyết chế độ cho NLĐ. Trong đó, phải kể đến công tác phối hợp thực hiện xử phạt sau thanh tra, kiểm tra đối với những hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT của đơn vị, DN còn hạn chế. Đặc biệt, công tác khởi kiện và thi hành bản án của tòa án đạt hiệu quả chưa cao; việc thẩm định tài sản để thi hành án cũng gặp khó khăn do đa số DN nợ BHXH lớn đang trong nguy cơ dừng hoạt động. Bên cạnh đó, quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất của ngân hàng, vô tình đã khuyến khích DN cố tình nợ tiền BHXH, BHYT nhằm chiếm dụng.

Theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh, bà Bùi Thị Thu Lý, dù được “trao quyền” để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ hơn 7 năm nay theo quy định pháp luật hiện hành, nhưng hiện các tổ chức Công đoàn trực thuộc các DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, việc xử lý hầu hết chỉ mới dừng lại ở xử phạt hành chính. Hơn nữa, việc giao quyền khởi kiện DN nợ đọng, trốn đóng BHXH cho công đoàn cơ sở theo quy định hiện hành bộc lộ một số bất cập, vì hầu hết đội ngũ này đang hưởng lương từ chủ DN. Do vậy, rất ít người dám đứng ra khởi kiện chủ sử dụng lao động nên ngày qua ngày, nợ vẫn chồng nợ và đối tượng thiệt thòi nhất vẫn là bản thân NLĐ. 

Cần nhấn mạnh rằng, khác với các ngành khác, đặc thù của chính sách BHXH, BHYT là thu để chi trả/giải quyết quyền lợi BHXH, BHYT cho NLĐ. Với nguyên tắc “có đóng, có hưởng”, thời gian đóng, tiền đóng, mức đóng BHXH, BHYT của đơn vị sử dụng lao động là cơ sở quan trọng để giải quyết các chế độ hưởng ngắn hạn (BHYT, BHTN, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động...) và dài hạn (hưu trí, tử tuất). Vì vậy, tình trạng DN chậm đóng, trốn đóng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của NLĐ.

(Còn tiếp)

Kỳ II: Giải pháp khắc phục nợ đọng

Bài, ảnh: Thanh Hương