Các thành viên dự án “Happy Class - Lớp học hạnh phúc” trình bày ý tưởng với ban giám khảo |
Nhiều nhóm dự án mới
Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Huế được tổ chức hàng năm, nhằm khuyến khích sinh viên đưa ra những ý tưởng sáng tạo có tiềm năng phát triển trong tương lai và hiện thực hóa ý tưởng dự án khởi nghiệp; làm mới cách suy nghĩ và thách thức giới hạn, nên cuộc thi này đã thu hút các dự án độc đáo và sáng tạo của sinh viên đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia.
Cuộc thi lần thứ VI, năm 2023 này chính thức được phát động từ tháng 4/2023. Vòng đầu ý tưởng, đã có hơn 60 ý tưởng tiềm năng đăng ký dự thi. Trải qua các vòng 2 là phát triển dự án và vòng 3 bảo vệ dự án, 8 dự án xuất sắc nhất đã được lựa chọn vào vòng chung kết, bao gồm: Flowers – New Life Cycle; Greenlife – Sàn giao dịch thương mại điện tử kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường; Happy Class – Lớp học hạnh phúc; Ứng dụng công chứng trực tuyến; Nền tảng học tập trực tuyến - H&M Studybuddy; FMT – Siêu thị thông minh; GRECO – Giải pháp sản xuất giá thể, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ bèo lục bình và vỏ trái dừa và dự án Website kết nối du lịch trải nghiệm làng nghề.
Nổi bật lên có thể kể đến dự án GRECO, không chỉ tạo ra các sản phẩm độc đáo với giá trị thẩm mỹ cao mà còn tạo thêm cơ hội việc làm cho cộng đồng. Bằng cách sử dụng bèo lục bình và vỏ trái dừa bị bỏ đi, dự án này không chỉ giúp giảm lãng phí mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực. Dự án GRECO là một ví dụ xuất sắc về cách kết hợp sáng tạo, nghệ thuật và bảo vệ môi trường để tạo ra giá trị cho cả cộng đồng và hành tinh của chúng ta.
Hay như dự án “Happy Class - Lớp học hạnh phúc” là một nỗ lực đầy tình yêu và sự cam kết từ bốn sinh viên xuất sắc, đến từ các Trường đại học Sư phạm, Luật và Kinh tế của Đại học Huế. Với tầm nhìn hướng tới tương lai, dự án này đã khởi đầu để xây dựng mô hình các lớp học phát triển kỹ năng cho trẻ em độ tuổi mầm non và tiểu học, với mục tiêu ý nghĩa là phát triển cảm xúc và những giá trị giáo dục cốt lõi. Lớp học trong dự án không chỉ đơn thuần là nơi trẻ em học hành, mà còn là nơi tạo ra môi trường thú vị và nhiều niềm vui. Những lớp học này sẽ không chỉ tập trung vào việc truyền đạt kiến thức, mà còn hướng đến phát triển kỹ năng xã hội, tư duy sáng tạo và lòng tự tin cho trẻ. Nhấn mạnh về giá trị cốt lõi của hạnh phúc trong giáo dục.
Theo Ban tổ chức cuộc thi, dự án Happy Class là một ví dụ xuất sắc về sự tương tác giữa giáo dục và tâm hồn, giúp thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ em. Những nỗ lực và ý tưởng của các bạn sinh viên rất đáng được trân trọng và hy vọng dự án sẽ lan tỏa niềm hạnh phúc và tri thức đến càng nhiều trẻ em hơn nữa.
Khơi dậy đam mê
Nguyễn Cửu Thảo Nguyên, sinh viên Trường đại học Sư phạm, thành viên dự án Happy Class cho biết, việc tạo nên Happy Class là một cách thức để học sinh được “học thông qua chơi” và cảm thấy hạnh phúc trên con đường học tập của bản thân. Đây là dự án với giá trị cốt lõi được truyền cảm hứng từ mô hình trường học Happy School và Giáo dục Waldorf. Sử dụng phương pháp giáo dục trí tuệ cảm xúc (SEL: Social and Emotional Learning) và giáo dục STEM (Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật và Math - Toán học). Happy Class hướng đến đồng hành cùng phụ huynh để phát huy được sự sẻ chia, an tâm, hạnh phúc. Từ ý tưởng ban đầu, khi tham gia cuộc thi đã giúp cả nhóm có thêm những kỹ năng mới, không chỉ là một dự án mang tính giáo dục thuần túy mà xa hơn, có thể tiến đến hình thành sản phẩm kinh doanh sau này cho cả nhóm.
TS. Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, Đại học Huế thông tin, khi tham gia cuộc thi, các em được đào tạo, tập huấn về xây dựng mô hình kinh doanh, khởi nghiệp tinh gọn, kỹ thuật gọi vốn đầu tư… Thông qua những kiến thức được chia sẻ, phần nào định hình được ý tưởng sáng tạo của sinh viên rõ nét hơn. Tăng thêm kỹ năng nghiên cứu thị trường, khảo sát xã hội học để các dự án mang tính thực tiễn, chứ không còn nặng về lý thuyết. Cùng với đó, tích lũy được thêm những kiến thức, cũng như kỹ năng xây dựng mô hình kinh doanh một cách hiệu quả và khoa học.
Theo TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế, tham gia cuộc thi được xem là một phần trong những bước đầu thành công, vì các em sinh viên đã dám dấn thân vào sân chơi có ý nghĩa trong việc hình thành con đường khởi nghiệp, cũng như sự nghiệp sau này. Đặc biệt là cơ hội để các em rèn luyện kỹ năng, kiến thức và trải nghiệm, để từ đó hình thành được ý tưởng khởi nghiệp cho tương lai. Thông qua đó sớm có những đóng góp có ích hơn cho xã hội và phát triển kinh tế quê hương, đất nước.
“Những cuộc thi, sân chơi như Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ là nơi để sinh viên Đại học Huế rèn luyện, biến tiềm năng trong ý tưởng khởi nghiệp tiếp cận các ý kiến chuyên gia, từ đó hun đúc được con đường từ ý tưởng, tiến đến hiện thực hóa. Tư duy khởi nghiệp không phải là “thời trang”, mà đang đi đúng với sự phát triển của thời đại. Khi các em chủ động, con đường sự nghiệp sau này sẽ càng rõ ràng hơn”, TS. Đỗ Thị Xuân Dung kỳ vọng.