Tại Huế, nghệ thuật đương đại chưa được công nhận chính thức. Để tiếp cận cái mới, tiếp nhận các hình thức nghệ thuật đương đại như các nghệ thuật Installation Art, Performance Art, Video Art, Body Ard, Multimedia Art, Graffitti, Action Art… nhiều họa sĩ đã tự sáng tác nhưng rõ ràng trong đó xa rời thực tiễn và lạc hậu so với mỹ thuật khu vực.
Trên bình diện thời gian, Huế là nơi đầu tiên trong cả nước đã tổ chức được khóa học nghệ thuật Installation và cấp chứng chỉ cho người học. Nhìn chung, các hoạt động của nghệ thuật đương đại được tiếp nhận qua tự phát.
Tác phẩm Nơi chốn đã qua của Trương Thiện |
Tuy nhiên ở một nơi là Cố đô của thời Nguyễn, nơi còn lưu giữ sâu đậm những giá trị nhân văn truyền thống, coi trọng những giáo lý gia đình và thuần phong mỹ tục cung đình thì việc tiếp nhận cái mới ở Huế cũng khác, cái mới trong nghệ thuật luôn đến sau và có được chỗ đứng thực sự ở Huế là rất khó, cái mới tồn tại được đâu đó thì cũng phải trải qua bao dằn vặt, tai ương, nhiều khi còn bị gán cho cái tội gây ra xung đột và phản cảm với những giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ qua nhiều thế kỷ ở Huế.
Huế tất yếu cũng chịu ảnh hưởng từ môi trường văn hóa xứ Huế với cả hai mặt tích cực và hạn chế của nó, dù vậy cũng có thể kể tên một số sự kiện đáng nhớ: Năm 1997, nhóm Trương Thiện - Lê Ngọc Thanh – Lê Thanh Hải đã tổ chức triển lãm sắp đặt tại Đại Nội với không gian trưng bày hơn 150m2. Đây là triển lãm Installation Art đầu tiên tại Huế.
Sắp đặt Lễ vật dòng sông của Đinh Khắc Thịnh |
Sau sự kiện này, 3 người đã đi Thái Lan, họ tổ chức Installation Art và được đánh giá là thành công. Hiện nay Lê Thanh Hải và Lê Ngọc Thanh đã trở thành họa sĩ có tiếng ở Huế trong việc mở rộng ngôn ngữ biểu hiện và truyền bá nghệ thuật Installation và Performan Art tại Huế và Việt Nam. Họa sĩ Trương Thiện trở thành giảng viên theo khuynh hướng nghệ thuật mới anh tổ chức được nhiều hoạt động nghệ thuật đương đại rất có tiếng vang.
Năm 1989, sự trao đổi sinh viên giữa Trường đại học nghệ thuật (ĐHNT) Huế với Đại học Mỹ thuật Chiang Mai (Thái Lan) đã được thực hiện. Nhóm sinh viên Thái Lan học ở Đại học Nghệ thuật Huế tổ chức Performance Art mang đậm dấu ấn văn hóa Thái tại số 4 Hoàng Hoa Thám - Huế. Đây là buổi trình diễn nghệ thuật đầu tiên được tổ chức tại Huế, khán giả đến xem chủ yếu là sinh viên và công chúng thành phố với số lượng kỷ lục trong buổi khai mạc khoảng 600 người.
Đầu năm 2000, sau cơn lũ lịch sử ở miền Trung - Việt Nam, một nhóm họa sỹ trẻ đã tổ chức thành công Installation Art tại Đại nội với chủ đề Ký ức 99. Sự chớp nhoáng của cuộc Installation Art này đã làm dấy lên nhanh chóng xu hướng tiếp cận và chuyển hóa cái mới trong các họa sỹ trẻ. Năm 2002 sinh viên Hồng Nhung của trường ĐHNT Huế được tổ chức NIFAT do ông SIMODA (Nhật) làm chủ tịch mời sang Nhật thực hiện cuộc trình diễn ở 12 thành phố. Năm 2004, nhóm nhạc sĩ Vũ Nhật Tân cùng anh em họa sỹ sinh đôi Thanh và Hải đã tổ chức buổi Performance Art kết hợp âm nhạc với trình diễn. Buổi trình diễn đã tạo được ấn tượng mạnh đối với công chúng.
Vào tháng 8/2006, nhóm họa sỹ trẻ khác đã tham gia thực hiện nghệ thuật mới với chủ đề Giờ cao điểm tại tổ hợp Saigon open city (SOC – TP Hồ Chí Minh). Gần đây nhất là tháng 12/2009, có nhóm họa sỹ trẻ khác đã được tham gia trình diễn Performance Art tại Viện Goethe ở Hà Nội.
Sắp đặt hoa giấy Thanh Tiên ở Phú Mậu - Phú Vang |
Có thể nói Trường ĐHNT Huế là nơi xuất phát, tiên phong trong việc đưa nghệ thuật đương đại vào đời sống mỹ thuật Huế. Trong khi nhiều họa sĩ ở Huế chưa có điều kiện và vị thế hòa nhập vào dòng chảy mỹ thuật mới, đương đại thì xuất phát từ nhu cầu nội tại của nghệ thuật, nhiều họa sĩ - giảng viên của trường đã tạo những hoạt động mang tầm sự kiện về nghệ thuật đương đại tại trường và các nhà triển lãm, các Gallery ở Huế.
Có thể điểm qua một số sự kiện sau 1988 họa sĩ Trương Bé (Bấy giờ là giảng viên Khoa Hội họa) đã trưng bày triển lãm trừu tượng cá nhân đầu tiên ở Huế kể từ sau 1975. Báo chí đã gọi triển lãm này là phát súng đầu tiên của nghệ thuật trừu tượng tại Huế, năm 1994bà Veronica Radulovic (Đức) đã có một tuần thuyết trình về nghệ thuật đương đại cho giảng viên và sinh viên ngành Mỹ thuật, đây là lần đầu tiên giảng viên và sinh viên được tiếp cận một cách qui mô qua băng hình các nghệ thuật mới của thế giới, trong đó có một số hình thức, phong cách rất mới đối với Trường ĐHNT Huế như Body Art, Land Art của Robert Smitson, Nghệ thuật không gian của Christo và Janne Claude, New Realisme của Duane Hanson và các loại hình Expressionisme.
Năm 1995, trại sáng tác quốc tế mang tên Hòa sắc tháng tư được trường đăng cai tổ chức tại Khoa Hội họa. Những tác phẩm chất liệu tổng hợp của Bradford Edward (Mỹ) đã gây được sự quan tâm của giới trẻ, giảng viên và sinh viên. Năm 2003, trước yêu cầu học hỏi, tìm hiểu của sinh viên và yêu cầu đổi mới trong xu hướng hòa nhập quốc tế, lãnh đạo nhà trường đã quyết định tổ chức các lớp học nghệ thuật đương đại ngắn hạn, các hoạt động nghệ thuật, các sân chơi nghệ thuật cho sinh viên.
Tháng 11/2003 đến 01/2004, một lớp học Installation Art đã được thực hiện dưới sự hướng dẫn tận tình của họa sĩ Juliane Heise thuộc School of Fine Kassei - Đức. Đây là lớp học có cấp chứng nhận đầu tiên trong các trường Mỹ thuật ở Việt Nam (cho đến 2006 vẫn chưa có trường nào khác làm được công việc này). Nhà trường nhận được danh sách của 120 sinh viên đăng kí nhưng do điều kiện cơ sở vật chất và không gian, cũng như yêu cầu của giảng viên mà chỉ có 30 sinh viên may mắn được học.
Sắp đặt Truyện Kiều trên đá cuội |
Một số họa sĩ trẻ đã tiếp nhận nghệ thuật đương đại khá sớm như họa sĩ Lê Thừa Tiến sau khi từ Hà Lan trở về đã có nhiều hoạt động tích cực trong Light Art, năm 2002 anh thực hiện hai triển lãm Installation Art với chủ đề Ánh trăng khi trưng bày 7000 thuyền giấy trên 140m2 mặt nước sông Hương (Huế) và chủ đề Hoa cỏ gồm hàng ngàn cánh chong chóng tre - giấy tại Huế.
Năm 2004, Lê Thừa Tiến tiếp tục có các cuộc sắp đặt với 7000 chiếc thuyền giấy tại bãi biển Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu) tạo được ấn tượng và cảm tình của công chúng trong và ngoài nước. Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức có những đĩa DVD – Video Art được trình chiếu tại Liên hoan nghệ thuật đương đại ở Đức, Năm 2006 tai Festival Huế, cụm không gian Installation Art Cổng thơ tại bờ Nam Sông Hương do nhóm họa sĩ Phan Hải Bằng và sinh viên tổ chức, đôi rồng khổng lồ tại bến Thương Bạc của Ngô Lan Hương – Thanh Tùng đã được BTC và công chúng đánh giá cao.
Phan Thanh Bình