Mô phỏng kiến trúc đường Phạm Văn Đồng sau khi nâng cấp, mở rộng ra 36m

Tuyến đường Phạm Văn Đồng thuộc QL49A dài hơn 2,6km được người dân địa phương xem trục giao thông huyết mạch phía đông của đô thị Huế. Trên tuyến, hàng ngày phương tiện xe cộ, người dân qua lại đông đúc, thậm chí vào giờ cao điểm đã trở nên quá tải. Đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, mới đây tỉnh và thành phố có quyết định phê duyệt mở rộng, chỉnh trang vỉa hè, hệ thống cấp, thoát nước đường Phạm Văn Đồng ra 36m, với mức đầu tư 152 tỷ đồng bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản, do Ban Quản lý (BQL) dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế làm chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc BQL DA Cải thiện môi trường nước TP. Huế chia sẻ, hơn 10 năm qua, cùng với các tuyến đường lớn ở nội đô TP. Huế, tuyến đường Phạm Văn Đồng luôn nằm trong kế hoạch nâng cấp, mở rộng tạo trục giao thông kết nối liên vùng của lãnh đạo địa phương. Nhưng vì những yếu tố khách quan về mặt tài chính nên đành phải lỡ nhịp.

Hiện tại, theo thiết kế, công trình nâng cấp, mở rộng đường Phạm Văn Đồng ra 36m (hiện trạng mặt đường và lề 24m); trong đó mặt đường sẽ rộng 26m được đầu tư đường cấp cao thảm bê tông nhựa, rãnh vỉa bằng bê tông xi măng, trọng tải thiết kế mặt đạt chuẩn, phù hợp với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.

Để phù hợp cảnh quan một đô thị xanh, dải phân cách của tuyến đường rộng 3m và phần vỉa hè hai bên rộng 4-6m được lát đá granit, có bố trí cây xanh bóng mát phù hợp không gian đi bộ mang đặc trưng của một thành phố du lịch sinh thái, thân thiện.

Theo Chủ đầu tư, công trình mở rộng đường Phạm Văn Đồng vừa khởi công vào tháng 7/2023 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2024, do liên danh Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát - Nam Á thi công.

Mới đây có mặt tại hiện trường công trình, chúng tôi bắt gặp nhiều ánh mắt hân hoan vui mừng của người dân địa phương. Anh Nguyễn Văn Hùng, Chủ cửa hàng kinh doanh thiết bị điện - xây dựng, cạnh đường Phạm Văn Đồng chia sẻ, đây là công trình hợp lòng dân, là trục giao thông chiến lược không chỉ nằm trong quy hoạch chỉnh trang diện mạo phía đông đô thị Huế mà trở thành trục kết nối liên vùng, góp phần thúc đẩy giao thương đi lại, phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ môi trường du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Huế.

Tuy nhiên điều băn khoăn hiện tại, đây là tuyến đường huyết mạch giao thông liên vùng, thời điểm này bắt đầu vào mùa mưa, nên các vị trí đào sâu, hố cống thoát nước đơn vị thi công cần phải rào chắn và có biện pháp cảnh báo từ xa bằng biển báo, biển hiệu và đèn (vào ban đêm); thậm chí phải cử người điều tiết phân luồng để đảm bảo ATGT trên tuyến.

Ông Nguyễn Ngọc Chính, kỹ sư giám sát kỹ thuật Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát, tham gia thi công mở rộng đường Phạm Văn Đồng cho biết, do hiện trạng tuyến đường có mật độ giao thông qua lại cao, hai bên nhà cửa san sát nên trong quá trình thi công đơn vị chú trọng việc che chắn, lắp đặt vật dụng, biển báo, biển hiệu để đảm bảo ATGT với phương án tối ưu sạch gọn, hợp lý để đảm bảo chất lượng công trình và mỹ quan đô thị TP. Huế.

Vấn đề đặt ra lớn nhất của DA là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) khi triển khai mở rộng đường Phạm Văn Đồng. Theo ông Nguyễn Ngọc Chính, hiện các đơn vị nhà thầu đã tập trung máy móc, phương tiện và công nhân lao động nhưng vẫn thi công với phương án “xôi đỗ” vì chưa có mặt bằng sạch, nhất là phạm vi hai bên từ nút giữa ngã tư TL10A - Phạm Văn Đồng đến ngã tư Tùng Thiện Vương dài hơn 1,2km. “Với việc chưa giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công như hiện nay và thời tiết mưa nắng thất thường ở xứ Huế e rằng kế hoạch hoàn thành như đề ra ban đầu của công trình sẽ gặp khó khăn” - ông Chính nói.

Qua khảo sát thống kê của BQL Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế, khi mở rộng mặt đường và vỉa hè toàn tuyến Phạm Văn Đồng có hơn 200 hộ gia đình ảnh hưởng, trong đó phần lớn là các ki ốt hàng quán, mái hiên, tường rào… Đến thời điểm này, DA đã được phê duyệt dự toán đền bù gần 170 hộ; trong đó có 98 hộ đã nhận tiền và gần 1/4 số hộ ảnh hưởng công trình đã giao mặt bằng. Dự kiến theo kế hoạch vào tháng 10 tới sẽ giao 100% mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. 

Công trình mở rộng đường, vỉa hè Phạm Văn Đồng hơn 2,6km và đầu tư xây dựng kè, đường đi bộ sông Như Ý dài 1,6km kéo dài từ Đập Đá đến cầu Vân Dương hiện nay là hai công trình triển khai song song thông qua nguồn vốn ODA (Nhật Bản), do BQL DA Cải thiện môi trường nước TP. Huế làm chủ đầu tư. Từ thời điểm  hợp đồng có hiệu lực , chủ đầu tư đã quán triệt nhà thầu thi công phải đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Kỳ vọng sắp đến hai công trình này tạo dấu ấn mới về giao thông và phát triển du lịch dịch vụ ở phía đông, TP. Huế.
Bài, ảnh: MINH VĂN