Hiệp định RCEP mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia. Ảnh minh hoạ: Vietnam+ |
Ông cho biết, đối với Campuchia, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) rất quan trọng vì nó thể hiện cam kết của Vương quốc này trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.
“RCEP vẫn là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định hiện đại, sôi động, toàn diện và có chất lượng cao. Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, RCEP rất quan trọng để củng cố niềm tin vào hệ thống thương mại đa phương, phục hồi hậu COVID, hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi”, Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh.
Để củng cố vai trò của RCEP, Thủ tướng Hun Manet chia sẻ một số suy nghĩ rằng:
Đầu tiên, ông tin rằng tất cả các thành viên đều đồng ý là nền kinh tế Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Do đó, ASEAN và Trung Quốc cần tăng cường hơn nữa khả năng phục hồi của hợp tác và tương tác kinh tế. Chúng ta cần cho thế giới này thấy rằng thúc đẩy thương mại đa phương tự do, cởi mở, toàn diện và dựa trên pháp luật vẫn là giải pháp chung tốt nhất cho tất cả chúng ta.
Thứ hai, bên cạnh hàng hoá, cần tập trung thúc đẩy thương mại dịch vụ, nhất là thương mại số. Thủ tướng Hun Manet nhìn thấy tiềm năng khi tận dụng sự phối hợp giữa các hiệp định thương mại tự do song phương và RCEP để tăng cường hơn nữa thương mại hàng hoá và dịch vụ. Khi các nước bắt đầu đàm phán Hiệp định Khung về kinh tế kỹ thuật số ASEAN, Thủ tướng Hun Manet tin rằng các nước cần tính toán trước vai trò của RCEP trong khuôn khổ nhằm thúc đẩy thương mại kỹ thuật số trên quy mô lớn hơn.
Thứ ba, chúng ta phải thừa nhận rằng khu vực tư nhân là chìa khoá để thực hiện hiệp định này và sẽ chia sẻ lợi ích kinh tế một cách rộng rãi với người dân các nước thành viên. Vì vậy, chúng ta nên tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của RCEP đối với khu vực tư nhân, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời khuyến khích và hỗ trợ khả năng tham gia của khu vực này.
Thứ tư, đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục để thành viên mới đăng ký và xem xét mở rộng thành viên. Chính sách chung của ASEAN là thúc đẩy hội nhập nền kinh tế toàn cầu và tăng cường quan hệ với các đối tác tiềm năng bên ngoài.
Thứ năm, đảm bảo tính toàn diện là điều quan trọng để khiến RCEP trở nên hấp dẫn và cho thấy lợi ích của việc tham gia vào hệ thống thương mại đa phương”.
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Campuchia Hun Manet khuyến khích thực hiện hiệu quả Chương Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật, giúp các thành viên từ các nước kém phát triển nhất đáp ứng các nghĩa vụ của mình.
Vị Thủ tướng khẳng định, trong nhiệm vụ mới, Chính phủ Hoàng gia Campuchia cam kết tiếp tục tăng cường vai trò của Campuchia trong ASEAN, cải thiện quản trị, mở rộng năng lực của khu vực tư nhân và thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu. Để đạt được điều này, Campuchia sẽ sử dụng các khuôn khổ của ASEAN và các khuôn khổ giữa ASEAN và các đối tác, cũng như RCEP để thu hút thêm đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xây dựng khả năng phục hồi.