Tiêm vắc-xin 5 trong 1 cho trẻ tại Trạm Y tế Hương Toàn, TX. Hương Trà sáng 18/9 |
Ưu tiên trẻ chưa tiêm mũi 1
Sáng 18/9, tại Trạm Y tế Hương Toàn, TX. Hương Trà, chị Nguyễn Thị Thương cùng mẹ đưa hai trẻ song sinh đến tiêm vắc-xin 5 trong 1 theo chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Do thiếu vắc-xin nên đến 9 tháng tuổi, hai con chị Thương mới được tiêm mũi đầu tiên. Chị Thương kể: “Biết là cả nước thiếu vắc-xin song em cũng lo lắng lắm. Chừ đi tiêm dịch vụ phải vô thành phố và chuẩn bị gần hai triệu đồng. Ở quê làm ruộng, đang sống nhờ nhà ngoại như em biết kiếm mô ra chi phí”.
Chị Văn Nữ Tố Tâm, điều dưỡng phụ trách tiêm chủng theo phân công nói: “Sau khi thực hiện rà soát trẻ >= 2 tháng đến 18 tháng tuổi thuộc khung thời gian tiêm vắc-xin 5 trong 1 và áp dụng tiêu chí ưu tiên, trạm trực tiếp gửi giấy mời về cho hộ dân. Khoảng 75% trẻ ở địa phương đã tiêm vắc-xin theo dịch vụ. Vắc-xin 5 trong 1 đợt này phân bổ về chỉ đáp ứng được khoảng một nửa so với nhu cầu”.
Tư vấn vắc-xin trước khi tiêm dịch vụ cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh |
BS. Phạm Văn Lại, Trưởng trạm Y tế Hương Toàn cho hay: “Đợt này trạm được nhận gần 30 liều và thực hiện tiêm theo quy định. Thực trạng gián đoạn nguồn cung ứng vắc-xin là tình hình chung của nhiều tỉnh, thành trong cả nước nên chúng tôi thông tin, tư vấn kỹ cho bà con. Trường hợp có điều kiện tiêm dịch vụ thì thôi, còn các trường hợp khó khăn phải truyền thông bảo vệ sức khỏe cho trẻ để gia đình biết cách chăm sóc, phòng bệnh”.
Trong số 2.700 liều vắc-xin 5 trong 1 từ nguồn tài trợ đợt này, Sở Y tế phân bổ về cho các địa phương, trong đó hai huyện miền núi: Nam Đông, A Lưới được ưu tiên do đặc thù địa bàn khó khăn. Một số trạm y tế trên địa bàn tỉnh được phân dưới 10 liều khá áp lực. “Có bà con bức xúc, to tiếng, nghĩ rằng có tình trạng tiêu cực trong việc chọn người tiêm. Chúng tôi phải đưa văn bản, giải thích và nói rõ số lượng được phân bổ về chỉ vài liều, đó là lý do chỉ mời một số trường hợp đến tiêm”, đại diện một trạm y tế phân trần.
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế và hướng dẫn của nhà sản xuất, các cơ sở y tế cần rà soát đối tượng trẻ đã được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc-xin 5 trong 1. Trường hợp không đủ vắc-xin để tiêm cho toàn bộ trẻ chưa được tiêm mũi 1 thì ưu tiên tiêm chủng cho trẻ có tháng tuổi nhỏ nhất. Trường hợp dư vắc-xin sau khi tiêm trẻ chưa được tiêm mũi 1 có tháng tuổi nhỏ nhất thì tiêm cho trẻ có nhóm tuổi lớn hơn chưa được tiêm mũi 1.
Trong năm 2023, số lượng trẻ tiêm vắc-xin này khoảng 16.000 mũi, trong đó 14.200 mũi là tiêm dịch vụ. Số trẻ tiêm mũi 1: 6.132 mũi, đạt 44,1% (TCMR: 1.875 mũi, số còn lại tiêm dịch vụ); trẻ tiêm mũi 2: 5.756, chiếm gần 37% (TCMR: 123 mũi, số còn lại tiêm dịch vụ); trẻ tiêm mũi 3: gần 4.500 mũi, chiếm 26,6% (TCMR gần 100 mũi, còn lại tiêm dịch vụ).
Để không trì hoãn lịch tiêm, nhiều người chấp nhận tiêm vắc-xin dịch vụ thay vì chờ đợi. Chị Phan T.M. ở Phú Lộc đưa con đến tiêm vắc-xin 6 trong 1 dịch vụ tại CDC tỉnh chia sẻ: “Mình tìm hiểu và được tư vấn vắc-xin này rất quan trọng trong phòng bệnh cho trẻ. Cũng may 2 bên nội ngoại hỗ trợ thêm, vợ chồng em mới đưa cháu lên Huế tiêm. Thôi thì chắt bóp chi tiêu mà con đảm bảo sức khỏe là được”!
Đảm bảo vệ sinh, tăng sức đề kháng
Theo chuyên gia y tế, việc tiêm không đúng lịch hoặc thiếu mũi sẽ ảnh hưởng đến việc phòng các bệnh 5 trong 1. Thiếu vắc-xin tiêm chủng, khả năng miễn dịch của trẻ trước các căn bệnh này suy giảm do tiêm phòng không đầy đủ. Tại một số tỉnh thành, như Quảng Ngãi, Hà Giang, Điện Biên… dịch bạch hầu đang quay trở lại do tỷ lệ bao phủ vắc-xin còn thấp.
Chị Lê T. T. ở xã vùng xa A Lưới có con chưa được tiêm vắc-xin 5 trong 1 nói: “Điều kiện kinh tế ở miền núi khó kiếm ra đồng tiền. Trong khi nghe nói tiêm dịch vụ mũi này 900 ngàn đồng - 1 triệu đồng. Xem ti vi thấy có bệnh bạch hầu trở lại nên cũng lo lắm, song chỉ còn biết cách chờ thôi”. Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế A Lưới, đơn vị được phân bổ 260 liều vắc-xin 5 trong 1. Đây là loại vắc-xin được bà con quan tâm, nhu cầu cần khoảng 1.000 liều trong thời gian tới. Đặc thù vùng cao, 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số nên rất khó khăn trong tiếp cận tiêm dịch vụ. Việc được cấp và tiêm vắc-xin tại địa bàn sẽ thuận lợi hơn nhiều cho người dân.
Các bác sĩ y tế dự phòng lưu ý, khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp cần tăng cường biện pháp chống dịch. BS Lê Văn Sanh, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: “Các gia đình nên giữ gìn vệ sinh, chú ý tới chế độ dinh dưỡng của trẻ nhằm nâng cao sức đề kháng. Ngành y tế đã có kế hoạch tăng cường giám sát nhằm theo dõi các dịch bệnh nguy cơ xuất hiện do thiếu vắc-xin trong chương trình TCMR nhằm khoanh vùng, dập dịch kịp thời”.
Trước mối lo bệnh bạch hầu nếu không tiêm đủ mũi, TS.BS. Nguyễn Hữu Châu Đức, Phó Trưởng khoa Khoa Tiêu hóa – Tiết niệu – Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Nhi, BV Trung ương Huế khuyên: “Ưu tiên đầu tiên vẫn là cho trẻ tiêm chủng, tiêm vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời”.
Chính phủ đã cấp kinh phí cho Bộ Y tế tiến hành đấu thầu mua vắc-xin cho các tỉnh, thành. Hy vọng sẽ có vắc-xin bổ sung để tiêm cho trẻ trong độ tuổi vào dịp cuối năm nay.