Bìa cuốn sách “Tìm chút hương xưa nơi làng cổ” |
Trong lời mở đầu cuốn sách, tác giả chia sẻ cùng bạn đọc: “Tôi không chuyên về văn hóa làng xã. Duyên khởi của cuốn sách này được hình thành trong suốt quá trình hoạt động dòng họ. Đa số các chuyến đi về các làng quê của tôi là đi làm việc họ”. Điều đó cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa dòng họ và văn hóa làng xã trong quá trình hình thành và phát triển.
Với kinh nghiệm của một nhà báo lâu năm, dựa trên cơ sở gia phả dòng họ, văn bản Hán Nôm đã được số hóa (sắc phong, chế phong của các triều đại về làng xã), Thanh Tùng khá linh hoạt trong cách tiếp cận văn hóa làng, lúc trình bày theo trục dọc (từ quá khứ đến hiện tại và ngược lại), lúc theo trục ngang (những đặc trưng riêng có, mang đậm bản sắc văn hóa của làng), khéo gắn với các sự kiện và nhân vật nổi bật của làng (làng Thanh Lương với ông tổ ngành nhiếp ảnh Việt Nam, người tiên phong phòng, chống tham nhũng Đặng Huy Trứ; làng Niêm Phò với vị Đại tướng tài ba Nguyễn Chí Thanh; làng Phù Lai với cánh chim đầu đàn của thi ca cách mạng Việt Nam Tố Hữu; làng Dương Nổ với tuổi thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh; làng rèn Hiền Lương, làng gốm Phước Tích, làng đan lát Bao La, làng bún Vân Cù…); với cách hòa trộn xưa – nay , tác giả đã dẫn dắt người đọc đi đến những làng quê thuần hậu, tiêu biểu truyền thống văn hóa, và cách mạng ở Thừa Thiên Huế, tạo thú vị và ấn tượng nhất định.
Nhà báo Thanh Tùng đã sắp xếp các làng họ “theo hành trình - tuyến tham quan (gồm 5 tuyến: Tuyến thứ nhất từ cửa hậu Kinh thành Huế ra Hương Trà, Quảng Điền ngược theo sông Bồ. Tuyến thứ hai từ An Lỗ ra Phò Trạch, ra các làng nằm ven sông Ô Lâu rồi vòng qua các làng ven phá Tam Giang trước khi trở về Huế. Tuyến thứ ba từ phố cổ Gia Hội - Bao Vinh dọc theo bờ sông Hương đi về phía cuối nguồn. Tuyến thứ tư dọc theo biển và đầm phá từ Thuận An đến Tư Hiền. Tuyến thứ năm từ trung tâm thị xã Hương Thủy trở lên Huế). Có thể xem, đây là ý kiến tâm huyết của người ngoại đạo, gợi mở để những người làm du lịch tham khảo, vận dụng sáng tạo vào thực tế. Xây dựng những tuyến phù hợp, nhằm phát huy có hiệu quả tài nguyên của các làng văn hóa. Đó cũng là đóng góp mang ý nghĩa thiết thực của cuốn sách.
Tuy nhiên, tác giả cần cập nhật thêm những thông tin mới khi giới thiệu về văn hóa làng gắn với tuyến tham quan, du lịch (đơn cử như làng Thanh Dương, xã Phú Diên không chỉ có hai điểm đến quan trọng tháp Chăm Mỹ Khánh, và nhà thờ họ Phạm” (gọi đúng là tháp Chăm Phú Diên chứ không phải là tháp Chăm Mỹ Khánh), mà còn có bãi biển đẹp, đặc biệt là có 30ha rừng ngập mặn (rừng bần 6-7 năm tuổi đang lên xanh). Từ đó, tuyến du lịch làng Thanh Dương sẽ có sự kết nối Tháp Chăm - biển - nhà thờ họ Phạm - rừng ngập mặn; và cần sử dụng chính xác khái niệm “làng cổ” (khác với cổ vật, và cây di sản phải có tuổi đời trên 100 năm), làng cổ có tiêu chí riêng (ít nhất phải có tuổi đời trên 500 năm).
Đến nay, ở Việt Nam chỉ mới công nhận hai làng cổ là làng Đường Lâm ở Sơn Tây, Hà Nội, và làng Phước Tích ở Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Bởi vậy, tên cuốn sách nên đặt “Tìm chút hương xưa nơi làng nay” (thay làng “cổ” bằng làng “nay”), vừa phù hợp với nội dung cuốn sách, vừa mang tính khoa học, khách quan.
Đôi điều góp nhặt, để tác giả tham khảo, thấy cần thiết bổ sung khi tái bản cuốn sách.