Đã đến lúc ASEAN củng cố vị thế của mình như một nút thắt quan trọng cho nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu bằng cách ký kết DEFA. Ảnh minh hoạ: vtv.vn/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Mục tiêu hoàn thành các cuộc đàm phán DEFA vào năm 2025 được nhận định là kịp thời, khi ASEAN và các quốc gia thành viên đang trở thành một phần của mạng lưới các hiệp định kinh tế và thương mại ngày càng dày đặc với các điều khoản liên quan đến kỹ thuật số, có thể kể đến như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và một số hiệp định kinh tế kỹ thuật số song phương.

Các chuyên gia nhận định, đã đến lúc khu vực củng cố vị thế của mình như một nút thắt quan trọng cho nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu bằng cách ký kết DEFA – thoả thuận kinh tế kỹ thuật số toàn khu vực quy mô lớn đầu tiên trên thế giới.

Theo đó, DEFA có thể sẽ dựa trên những nỗ lực hiện có của các quốc gia thành viên và tuân theo kế hoạch chi tiết về hội nhập kỹ thuật số khu vực được nêu trong Kế hoạch hành động và Khung hội nhập kỹ thuật số ASEAN.

Dưới đây là một số cách mà DEFA có thể cải thiện dựa trên các sáng kiến hiện có trong việc tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số, thanh toán kỹ thuật số và các quy định về dữ liệu.

Thêm dữ liệu kỹ thuật số, tài trợ thương mại

Tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số là ưu tiên lâu dài của ASEAN. Các chính sách như cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN tận dụng công nghệ kỹ thuật số để tăng cường hội nhập thương mại khu vực, giảm chi phí thương mại và cải thiện khả năng cạnh tranh trong khu vực.

Được biết, ASEAN đã và đang chứng kiến những thành công như hoạt động của ASW ở tất cả các nước thành viên, gồm cho phép trao đổi điện tử các tài liệu thương mại giữa các quốc gia. Nền tảng này đã thu hút sự quan tâm của các đối tác lớn trên toàn cầu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Tất cả đều mong muốn mở rộng sáng kiến này.

Một thành công khác cần được nhắc đến là hoàn thành thương mại xuyên biên giới hoàn toàn không cần giấy tờ đầu tiên trên thế giới từ Singapore đến Thái Lan, sử dụng vận đơn điện tử được hỗ trợ bởi hệ thống TradeTrust của Singapore.

Tuy nhiên nhìn chung, ASW vẫn còn nhiều chỗ cần cải thiện. Các giấy tờ như giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, giấy chứng nhận thú y, tờ khai hải quan vẫn chưa được thông qua đầy đủ. DEFA mang lại cơ hội xem xét ASW và đưa tất cả các dữ liệu giao dịch lên nền tảng.

Cùng với đó là việc tạo thuận lợi tài chính thương mại, một lĩnh vực được Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp quốc về châu Á năm 2023 và báo cáo chung Thái Bình Dương – ASEAN đánh giá là còn thiếu trầm trọng. Cải thiện được điều này sẽ làm cho DEFA trở nên toàn diện hơn bằng cách tạo ra cơ hội cho các công ty, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tìm ra nguồn tài nguyên chính, cho phép họ tiếp cận với nền kinh tế đang phát triển trong khu vực.

ID kỹ thuật số cho thanh toán khu vực

ASEAN đặt mục tiêu tăng cường cơ sở hạ tầng thanh toán xuyên biên giới, nhưng phải đối mặt với những thách thức như các quy định tài chính đa dạng và thiếu một đồng tiền thống nhất. Một hành động then chốt sẽ là thiết lập một khung pháp lý hài hoà cho thanh toán kỹ thuật số.

Các quy tắc, hướng dẫn và quy định được tiêu chuẩn hoá sẽ hợp lý hoá hoạt động của các tổ chức tài chính và công ty fintech mà không cần phải điều hướng các quy định đa dạng của quốc gia. Điều này cũng sẽ tạo niềm tin cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng thực hiện các giao dịch kỹ thuật số xuyên biên giới.

Để mở rộng quy mô thanh toán xuyên biên giới, phần bổ sung cho các khung pháp lý hiện tại sẽ là hệ thống xác minh danh tính kỹ thuật số được tiêu chuẩn hoá. Điều này có thể hỗ trợ đơn giản hoá đáng kể các quy trình xác thực người dùng xuyên biên giới, đảm bảo rằng các giao dịch vừa an toàn vừa nhanh chóng.

Cần nhấn mạnh vào danh tính kỹ thuật số được chấp nhận trên toàn ASEAN. Điều này rất cần thiết trong việc giảm gian lận và thúc đẩy niềm tin vào thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới.

Khả năng tương tác cũng là một khía cạnh quan trọng khác. Các chính sách trong tương lai nên ủng hộ việc tạo ra và áp dụng các hệ thống thanh toán có khả năng tương tác.

Những hệ thống như vậy, dù là ví kỹ thuật số hay các cơ chế thanh toán khác đều phải hoạt động trơn tru trên toàn khu vực. Đơn cử, khi người tiêu dùng ở Thái Lan sử dụng ví kỹ thuật số, khi họ thực hiện thanh toán ở Việt Nam cũng sẽ dễ dàng như khi thực hiện ở trong nước.

Có thể nói rằng sẽ rất thú vị để xem xét liệu DEFA sẽ tiến xa đến đâu trong việc giải quyết những thách thức này. Là một phần quan trọng của kiến trúc khu vực nhằm giải quyết biên giới công nghệ luôn thay đổi, DEFA nên nỗ lực trở thành một tài liệu sống đáp ứng sự phát triển.

Đan Lê (Lược dịch từ The Business Times)