Trẻ được gia đình đưa đến khám đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt tỉnh

Lây nhanh, mỗi ngày bình quân gần 1.000 ca

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 16.000 ca mắc; trong đó, TP. Huế gần 6.500 ca, TX. Hương Trà gần 1.200 ca, huyện Phú Vang hơn 1.000 ca, Phong Điền 1.657 ca, TX Hương Thủy gần 1.300 ca, huyện Phú Lộc 3.500 ca… Gần đây, bình quân mỗi ngày có gần 1.000 ca bệnh.

Trung tâm Y tế (TTYT) TP. Huế có số lượng người bị viêm kết mạc cao nhất do địa bàn rộng, nhiều ca bệnh tập trung ở nội thành. Theo BSCK II Trần Quốc Hùng, Giám đốc TTYT TP. Huế, đơn vị đã tham mưu cho UBND TP ra văn bản thông báo gửi đến các đơn vị từ sớm nhằm chủ động kế hoạch phòng chống đau mắt đỏ. Thời gian tới, TTYT TP. Huế sẽ tập huấn cho các y, bác sĩ ở trạm y tế và các phòng khám; đồng thời, đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo kiên quyết cho trẻ nghỉ học nếu bị đau mắt đỏ nhằm ngăn ngừa tình trạng lây lan.

Bệnh đau mắt đỏ ở Phú Lộc xảy ra cao điểm những tuần gần đây. Hầu hết bệnh nhân điều trị ngoại trú. TTYT huyện đã cấp phát Cloramin B cho một số trường và trạm y tế nhằm sát khuẩn môi trường và đồ chơi cho trẻ đồng thời chuyển một cơ số nước muối sinh lý về cơ sở phục vụ điều trị.

Tại TX. Hương Thủy, nơi xuất phát dịch đầu tiên là Trường tiểu học Thủy Phương. Đến nay, 40/48 trường có học sinh bị đau mắt đỏ. Hai ngày qua, số ca bệnh tăng nhanh. Các trạm y tế đã kịp thời phối hợp các trường tổ chức truyền thông về phòng chống căn bệnh này tại các buổi sinh hoạt đầu tuần sau giờ chào cờ.

Theo dõi diễn biến các ca bệnh, TTYT Phú Vang có sự chủ động từ sớm. Trên địa bàn huyện, 1.000 ca bệnh xuất hiện ở 14 xã và 61 trường học. BSCK1 Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc TTYT Phú Vang thông tin: “Đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai văn bản và tuyên truyền đến Phòng giáo dục huyện; đồng thời, lập 10 tổ công tác phối hợp cùng các trạm y tế kiểm tra công tác vệ sinh môi trường và phòng chống dịch tại các trường học. Chúng tôi lưu ý các đơn vị theo dõi số học sinh mắc bệnh báo về đầu mối. TTYT huyện cũng đã lập bốn bàn khám chuyên khoa mắt phục vụ nhu cầu bệnh nhân. Thực hiện mua sắm khẩn trương 4.000 lọ thuốc điều trị đau mắt, cấp phát về cho các trạm; đồng thời, lên kế hoạch dự kiến mua thêm 15.000 lọ thuốc phục vụ điều trị trong thời gian tới”.

Trong phác đồ điều trị viêm kết mạc do Bệnh viện Mắt xây dựng, gửi đến các đơn vị, BSCK II Dương Nguyễn Thanh Sơn – Phó Giám đốc BV Mắt tỉnh lưu ý, loại bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp điều trị chính, chủ yếu là điều trị hỗ trợ và giảm các triệu chứng. Thời gian điều trị có thể kéo dài 2-3 tuần. Bệnh viêm kết mạc dễ lây lan cho người khác nên người bệnh cần hạn chế tiếp xúc, dùng riêng vật dụng sinh hoạt, dùng các thiết bị bảo vệ mắt…

 TTYT Phú Vang tổ chức đoàn kiểm tra phòng, chống đau mắt đỏ tại các trường học trên địa bàn. Ảnh: BVPV

Nghiêm cấm đầu cơ tăng giá thuốc

Tại một số hiệu thuốc, các loại kháng sinh điều trị đau mắt đỏ  khan hàng. Ths.BSCKII Nguyễn Mậu Duyên, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế cho biết, trong buổi kiểm sáng 19/9, đoàn phát hiện có dấu hiệu nâng giá một số mặt hàng phục vụ điều trị bệnh đau mắt đỏ”. Hiện, dịch đau mắt đỏ bùng phát ở nhiều tỉnh thành trong toàn quốc, khiến một số loại thuốc điều trị khan hiếm, do đó, có sự thay đổi giá cả trên thị trường. Sở Y tế khuyến cáo các bệnh viện chủ động trong đấu thầu sử dụng thuốc nhằm tránh tình trạng thiếu hụt. Các đơn vị y tế có thể linh động hỗ trợ nhau về thuốc men, góp phần điều trị bệnh hiệu quả.

Dự báo, dịch đau mắt đỏ sẽ kéo dài và lây lan nhanh, Sở Y tế đề nghị các TTYT có báo cáo cập nhật thường xuyên, kết hợp cùng ngành giáo dục đẩy mạnh truyền thông cho người dân biết cách phòng chống và sử dụng thuốc; phía trường học tăng cường vệ sinh môi trường. Đề nghị các đơn vị giáo dục chủ động cho trẻ nghỉ học trong giai đoạn đầu mắc bệnh, lưu ý chăm sóc trẻ ở độ tuổi mầm non do các cháu chưa ý thức trong phòng chống bệnh.

Lãnh đạo Sở Y tế giao Bệnh viện Mắt tỉnh làm đầu mối thống kê báo cáo số liệu các ca bệnh từng ngày. Đối với các đơn vị y tế ngoài công lập thực hiện báo cáo về cho Phòng Nghiệp vụ y của Sở hoặc sử dụng nhóm phòng chống dịch COVID-19. Ths.Bs CKII Hoàng Trọng Quý, Phó Giám đốc Sở Y tế lưu ý: “Đây là bệnh lây lan nhanh, gây xáo trộn trong cuộc sống. Các TTYT cần phân luồng trong điều trị nhằm tránh lây nhiễm. Cần phòng, chống bệnh và nâng cao ý thức ngay trong chính các cơ sở y tế".

PGS.TS.BS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế đề nghị Bệnh viện Mắt xây dựng lưu đồ điều trị đơn giản đưa về bệnh viện, phòng khám nhằm hướng dẫn phổ biến thuận tiện. Đặt trong bối cảnh phòng chống dịch nhóm B, các đơn vị cần bám sát diễn biến của bệnh đau mắt đỏ, đánh giá mức độ, lứa tuổi, dấu hiệu đặc thù, từ đó đưa ra kế hoạch ứng phó cho phù hợp. Sở sẽ lập các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm ngăn chặn tình trạng găm hàng, tăng giá thuốc đồng thời làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo nhằm có sự phối hợp trong phòng chống hiệu của dịch đau mắt đỏ.

LINH TUỆ