Diễn tập ứng phó sự cố an toàn bức xạ và hạt nhân |
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Toàn tỉnh hiện có 61 cơ sở sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế, với số lượng thiết bị bức xạ lên đến 75 thiết bị X-quang đã được cấp phép sử dụng, đưa vào quản lý. Ngoài ra, có 8 cơ sở bức xạ ngoài X-quang y tế với 69 nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ khác sử dụng trong chiếu xạ, xạ trị và làm nguồn chuẩn thiết bị y tế, trong công nghiệp, phân tích thành phần vật liệu, đo mức, soi chiếu kiểm tra an ninh, quan trắc môi trường.
Qua đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), trên địa bàn tỉnh có những nguy cơ tiềm ẩn sự cố từ ứng dụng nguồn bức xạ như trong lĩnh vực y tế, công nghiệp, nghiên cứu... Đối với lĩnh vực y tế, trên địa bàn có 3 nguồn sử dụng nguồn phóng xạ thuộc nhóm 1 tại 2 cơ sở y tế lớn. Đây là 3 nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm trên trung bình. Việc chiếu xạ được thực hiện thông qua thiết bị hỗ trợ đi kèm để điều khiển. Với thiết kế, lắp đặt này không thể xảy ra trường hợp nguồn rơi ra bên ngoài dẫn đến sự cố chiếu xạ quá liều cho nhân viên. Nguồn phóng xạ nhóm 1 là nguồn phóng xạ nguy hiểm, cần phải đảm bảo an toàn và an ninh trong quá trình vận hành thiết bị chứa nguồn này.
Ngoài ra, các nguồn phóng xạ thuộc nhóm 4, 5 đang được sử dụng tại các cơ sở y tế, đơn vị nghiên cứu, phân tích có hoạt độ thấp, mức độ nguy hiểm dưới trung bình. Các nguồn này được bảo vệ chắn phóng xạ, nhưng nếu quản lý, sử dụng không tốt, để xảy ra sự cố rơi vỡ, quá liều, mất cắp... sẽ gây mất an toàn, an ninh, ảnh hưởng sức khỏe cho con người và môi trường. Việc sử dụng các thiết bị bức xạ như máy gia tốc tuyến tính, máy Spect/CT, máy xạ trị, máy mô phỏng xạ trị, X-quang (không có nguồn phóng xạ) tại một số cơ sở vẫn có khả năng xảy ra các nguy cơ sự cố như: suất liều bức xạ xung quanh tăng do vật liệu che chắn phòng thiết bị hỏng hoặc sự cố mất điều khiển ngừng phát tia.
Trong lĩnh vực công nghiệp, một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm, Công ty Hữu hạn Xi măng Luks, Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam hiện đang sử dụng các nguồn phóng xạ kín và được lưu giữ, có vỏ bọc che chắn kín và khóa bảo vệ, rào chắn vào khu vực đặt thiết bị, biển cảnh báo phóng xạ. Các nguồn phóng xạ sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp kể trên đều thuộc nhóm 4, có mức độ nguy hiểm dưới trung bình. Song nếu quản lý, bảo vệ không tốt sẽ có khả năng xảy ra các sự cố gây mất an ninh, an toàn, sức khỏe cho con người và ảnh hưởng đến môi trường...
Trên địa bàn vẫn tiềm ẩn nguy cơ nguồn phóng xạ nằm ngoài kiểm soát từ các địa phương khác chuyển đến hoặc chuyển đi. Bên cạnh đó còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố tại các khu vực trọng điểm như các chợ lớn, sân bay, cửa khẩu, các điểm công cộng tụ tập đông người, các cơ sở kinh doanh thu mua phế liệu trên địa bàn...
Tuyên truyền và quản lý chặt
Ông Nguyễn Phước Nhân, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Sở KH&CN cho biết, trước những nguy cơ tiềm ẩn các nguồn bức xạ, Sở KH&CN thường xuyên cập nhật thông tin, thống kê đầy đủ, chi tiết, rõ ràng các đơn vị, cơ sở sử dụng thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ, đẩy mạnh kiểm tra các cơ sở hoạt động. Đồng thời, phổ biến những văn bản quy phạm pháp luật, cập nhật kiến thức về ATBX, diễn tập ATBX nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên của đơn vị, cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ.
Sở KH&CN cũng tuyên truyền, tập huấn đến các đơn vị, cơ sở tiến hành công việc bức xạ về mức giới hạn bức xạ để tránh ảnh hưởng đến nhân viên và người dân. Nếu một phụ nữ mang thai làm việc trong điều kiện bức xạ, thì giới hạn liều nghiêm ngặt hơn cần được áp dụng là 2 mSv. Giới hạn liều đối với công chúng nói chung thấp hơn đối với công nhân. Ủy ban Quốc tế về bảo vệ phóng xạ (ICRP) khuyến cáo rằng, giới hạn liều đối với công chúng không nên vượt quá 1 mSv/1 năm. Đối với bệnh nhân, ICRP không có khuyến cáo giới hạn liều đối với đối tượng này. Trong khám bệnh và điều trị bằng xạ trị, liều chiếu có thể tăng gấp hàng trăm lần so với giới hạn liều đối với công nhân. Bởi vì liều xạ được dùng là để xác định bệnh và để chữa bệnh, nên hiệu quả của điều trị được xem là cần thiết hơn ngay cả khi phải dùng đến liều cao.
Bên cạnh đánh giá ảnh hưởng từ mức độ bức xạ, cơ quan chuyên môn còn chỉ ra những nhóm nghề, công việc có nguy cơ nhiễm xạ. Nhóm thứ nhất là những người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất chất phóng xạ như: mỏ uran, nhà máy xử lý quặng uran, nhà máy khai thác, tách các đồng vị uran, các lò phản ứng, các trung tâm nghiên cứu, các nhà máy sản xuất plutoni, các cơ sở điện hạt nhân, các cơ sở khai thác, nghiên cứu, sản xuất nguyên tố phóng xạ, các đơn vị vận chuyển, lưu chứa chất thải phóng xạ. Nhóm thứ hai là những người sử dụng các tia bức xạ ion hóa từ những nguyên tố phóng xạ trong các ngành công nghiệp, ngành y tế, ngành nông nghiệp, ngành sinh học và ngành sinh hóa học. Nhóm thứ ba là những người sử dụng máy phát tia X, nhất là các khoa điện quang y tế.