Dược liệu bảy lá một hoa là một trong những loài được đề xuất trồng tại Nam Đông |
Thừa Thiên Huế có hơn 1.600 loài, chiếm hơn 30% tổng số loài cây thuốc của cả nước. Trong đó, có nhiều cây dược liệu quý, như: tràm, hoắc hương, hương nhu trắng, hương nhu tía... Các loài cây dược liệu thường được tìm thấy ở các khu vực như: Bạch Mã (810 loài), A Lưới (320 loài), Phong Điền (159 loài)…
Các nhà nghiên cứu khoa học thông tin một số kết quả nghiên cứu về tiềm năng cây dược liệu tại huyện Nam Đông. Đơn cử, qua hơn 5 năm thực hiện Dự án Bảo tồn cây thuốc cổ truyền do PGS. TS. Nguyễn Duy Thuần chủ nhiệm, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) kết hợp với Phòng khoa học Vườn Quốc gia Bạch Mã đã điều tra khảo sát và xác định được 190 thành phần loài cây thuốc đặc hữu thuộc 82 học, 4 ngành của đồng bào dân tộc Ka Tu thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã. Ngoài ra, dự án đã thu thập và trồng vườn bảo tồn 10 loài gồm 50 cá thể trong vườn nhà dân ở Thượng Lộ, Nam Đông và tại Vườn Quốc gia Bạch Mã 30 loài với 300 cá thể.
Hội nghị cũng chia sẻ một số bài học từ các mô hình phát triển dược liệu tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong đó, có mô hình Hợp tác xã cộng đồng ở thị xã Sa Pa (Lào Cai) được thành lập và chuyên sản xuất một số loại tinh dầu và nước tắm… thông qua liên kết với các hộ gia đình vệ tinh. Cách làm này tạo ra vùng nguyên liệu gần 18 ha để sản xuất hàng chục mặt hàng đưa ra thị trường. Khâu sản xuất và tiêu thụ có sự giúp đỡ của các doanh nghiệp dược và trực tiếp tham gia dịch vụ du lịch…
Yếu tố quyết định thành công của mô hình này cần sự ủng hộ và trực tiếp tham gia của người dân địa phương. Hay mô hình trung tâm dịch vụ của địa phương thông qua việc cam kết với tất cả các hộ, chính quyền địa phương thu mua toàn bộ sản phẩm cho người dân. Sản phẩm này được trung tâm ký kết với người dân đào tạo chuyên môn, trồng trên đất của người dân. Để bảo đảm bền vững, trung tâm liên kết với các công ty dược ký kết đầu ra cho sản phẩm… Mô hình công ty thuê đất rừng 50 năm, trồng dược liệu dưới tán rừng và vùng ngoại vi; đồng thời dùng lao động là người dân tộc địa phương.
Một số loài dược liệu quý được nhân giống thành công bằng phương pháp nuôi cấy mô |
Việc lựa chọn cây giống, kỹ thuật, phương pháp nhân giống để phát triển vùng dược liệu cũng rất quan trọng. PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học - Đại học Huế đã chia sẻ ứng dụng tiến bộ KH&CN để nhân giống một số loài dược liệu tiềm năng phù hợp với điều kiện tự nhiên tại huyện Nam Đông. Trong đó, có phương pháp nhân giống hữu tính đối với cây sâm ngọc linh, giảo cổ lam, ba kích, diệp hạ châu…; nhân giống vô tính bằng phương pháp giâm cành; nhân giống vô tính bằng phương pháp nuôi cấy mô; ứng dụng khí canh trong nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối cây dược liệu...
Chọn loài và giải pháp phù hợp
Lựa chọn loài dược liệu quý phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội huyện Nam Đông sẽ góp phần thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giúp người dân cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập từ dược liệu. Nam Đông là huyện có ưu thế phát triển du lịch và phát triển dược liệu. Tuy nhiên đến nay, việc phát triển dược liệu còn đang ở mức độ hạn chế. Bên cạnh đó, quy mô trồng dược liệu nhỏ, có tính chất tự phát, ít liên kết với công ty. Người dân chưa áp dụng đồng bộ các quy trình trồng, phát triển dược liệu theo tiêu chuẩn GACP - WHO...
Sâm Ngọc Linh được xác định phù hợp để phát triển ở vùng trồng Nam Đông |
Theo quan điểm của Sở KH&CN, cần xây dựng các mô hình khép kín từ nuôi, trồng dược liệu đến sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm dược liệu. Từng bước phát triển ngành dược liệu theo hướng hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Giải pháp, định hướng phát triển dược liệu tại huyện Nam Đông cũng cần được đánh giá đúng tiềm năng của địa phương, không chạy theo phong trào. Đồng thời kết hợp tốt với khai thác lợi thế của các vùng du lịch của Nam Đông.
Cần thu hút được một vài doanh nghiệp đầu đàn về lĩnh vực sản xuất kinh doanh dược liệu, phát triển các sản phẩm từ dược liệu. Hình thành các công ty nhỏ của huyện, làm đối tác để liên kết với các công ty lớn. Bên cạnh đó cần tuyên truyền, giúp đỡ người dân nhận thức sự cần thiết và lợi ích của việc thay đổi cơ cấu cây trồng, trồng cây dược liệu phát triển kinh tế; tìm nhân tố tích cực để tập hợp được người dân, thành lập các tổ hợp tác xã nhỏ để liên kết với các công ty lớn hơn…
Lan kim tuyến là loài dược liệu quý giúp điều trị ung thư, tiểu đường, các bệnh về gan... thích hợp để trồng ở Nam Đông |
Nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng mô hình trồng cây dược liệu và trồng dưới tán rừng dựa vào cộng đồng. Quan tâm đến trồng từng thửa nhỏ của các hộ gia đình và ghép lại sẽ thành diện tích lớn. Đây là mô hình bền vững hơn việc tổ chức trồng cho một diện tích lớn vì sẽ khó về mặt tổ chức, trông coi, bảo vệ...
Việc chọn đối tượng phát triển nên chọn một số cây đặc hữu, thế mạnh của Nam Đông, như: khôi tía, chè dây, xuyên tiêu, dây gắm, dây chiều, gừng gió, nghệ đen, hà thủ ô trắng. Ngoài ra, ngành KH&CN đề xuất các loài dược liệu quý phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện Nam Đông, như: ba kích, bảy lá một hoa, sa nhân, đẳng sâm, thiên niên kiện, lan kim tuyến, sâm cau, thổ phục linh, sâm ngọc linh, bách bệnh, cẩu tích, bách bộ, đương quy, hoàng đằng, dây đau xương...