Ký hiệu Tháp chàm Phú Diên thuộc đất Dương Hòa, Hương Thủy được thể hiện trên bản đồ

Mới đây nhân khi cơ quan tiến hành treo bản đồ hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế, tỷ lệ 1: 65 000, chúng tôi phát hiện một chi tiết khá bất ngờ và thú vị, đó là có đến 2 ký hiệu được chú giải “tháp Chăm Phú Diên”. Một ký hiệu đặt ở xã Phú Diên, huyện Phú Vang, bên cạnh ký hiệu bãi tắm Phú Diên và một ký hiệu “tháp Chăm Phú Diên” ở tận xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy  trên trục đường Tỉnh lộ 7, gần với ký hiệu đập thủy lợi Tả Trạch. Phát hiện trên khiến cơ quan có thêm một hội thảo… bất đắc dĩ, bởi lâu nay đa số chỉ nghe đến tháp Chăm ở thôn Mỹ Khánh, Phú Diên chứ chưa bao giờ nghe đến việc tại xã Dương Hòa có tháp Chăm nào.

Đem câu hỏi này đến với một số nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử trên địa bàn chúng tôi đều nhận được câu trả lời chưa nghe đến việc ở địa phương gò đồi Dương Hòa có di tích lịch sử của người Chăm trước đây để lại; kiểm tra sách báo và các bản đồ hành chính, bản đồ du lịch của địa phương đều không thấy có chỉ dẫn “Tháp Chăm Phú Diên” ở xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy.

Tháp Chăm Mỹ Khánh (hay còn là Tháp Chăm Phú Diên) được phát hiện vào ngày 14/8/2001 là một cụm tháp Chăm cổ nằm ở thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tháp có niên đại vào thế kỷ thứ VIII, được coi là công trình cổ nhất trong số tháp Chăm còn tồn tại dọc theo dải đất miền Trung Việt Nam. Cuối tháng 6 năm 2022, tháp Phú Diên được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Liên minh Kỷ lục Thế giới đồng thời xác lập hai kỷ lục bao gồm tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật, bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam và thế giới.

Được biết, trên bản đồ do Công ty Cổ phần trắc địa bản đồ và ứng dụng GIS Nam Việt thành lập và phát hành năm 2022, bản quyền tác giả thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế, được in với số lượng 313 bản, kích thước 160cm x 220cm, giấy phép số 58/GP-STTTT, ngày 26/12/2022. Có lẽ các cơ quan liên quan đã vô tình sai sót trong quá trình biên tập, in ấn bản đồ.

Bài, ảnh: Hoài Nhân