Sáng tạo không ngừng nghỉ với vỏ trấu |
Sáng tạo
Đó là cảm nhận của chúng tôi khi gặp và tìm hiểu về những sản phẩm chị Nguyễn Thị Huệ đã mày mò tạo nên. Là giáo viên mỹ thuật tại Trường THCS Hồ Văn Tứ (TX. Hương Trà), không chỉ đam mê sắc màu, chị Huệ luôn muốn tận dụng những nguyên, vật liệu phế phẩm như rơm, trấu để tạo nên các sản phẩm mỹ nghệ đẹp và độc đáo.
Chị cho biết: “Năm 2019, mình đã tìm tòi cách biến lõi rơm, phần sợi có màu vàng óng, bền đẹp thành các sản phẩm túi xách, tượng, khung tranh ảnh, đồ trang trí. Năm 2020, nhằm tạo ra vòng đời tốt hơn cho vỏ trấu, một phế phẩm nông nghiệp, mình tìm tòi cách để làm sao biến vỏ trấu thành tranh”.
Vỏ trấu là phế phẩm “nhỏ mà có võ”, bởi lẽ, chúng mỏng manh, nhỏ nhẹ nhưng lại chịu nhiệt và chịu lạnh rất tốt. Hơn nữa, vỏ trấu lại rất rẻ, bởi thế đây là nguyên, vật liệu vô cùng tiềm năng để tạo nên các bức tranh với số lượng lớn.
Tranh sen từ vỏ trấu của chị Huệ |
“Từ năm 2020 đến nay, mình tìm tòi nhiều cách khác nhau để mang vỏ trấu vào tranh. Có những cách mình biến tấu từ kiến thức mỹ thuật được học, có những cách lại vô tình phát hiện ra. Tất cả mình đều trân trọng và cố gắng làm sao để tạo nên những bức tranh vỏ trấu hài hòa và có hồn nhất”, chị Huệ nói thêm.
Để làm tranh vỏ trấu, chị Huệ lựa chọn nguyên liệu vỏ trấu với nhiều kích cỡ, độ nứt vỡ khác nhau. Bức tranh được tạo nên với nền tranh, keo sữa, vỏ trấu, từ đôi bàn tay tỉ mỉ, cẩn thận cùng sự tinh tế trong cảm nhận sắc độ, màu sắc của từng mảnh vỏ trấu. “Ban đầu, mình dùng màu nguyên thủy của vỏ trấu vì theo cảm nhận của mình, sắc vàng của vỏ trấu đã rất bóng và đẹp. Thế nhưng để tạo nên chiều sâu cho bức tranh, một sắc vàng thôi là chưa đủ. Vì không muốn nhuộm những màu sắc khác mà vẫn tạo nên được sự khác biệt cho từng mảng màu cần nhấn mạnh, mình nhớ tới kiến thức về tranh sơn mài, từ đó biến tấu để tạo nên thêm sắc màu cho vỏ trấu”.
Từ kỹ thuật tạo sắc độ cho vỏ trứng trong tranh sơn mài, chị Huệ đã nghĩ ra cách rang vỏ trấu để tạo nên thêm màu vàng đậm, vàng cánh gián, màu nâu, màu đen... Đính từng mảnh vỏ trấu khác nhau trên nền keo sữa theo tính toán, chị đã tạo nên các bức tranh độc đáo như tranh sen, tranh về chùa Thiên Mụ đẹp đẽ, bắt mắt. Trong đó, những bức tranh cần nhiều công sức chị phải làm liên tục trong nhiều ngày liền.
Ý nghĩa
Không chỉ những kiến thức mỹ thuật, chị Huệ đã tìm tòi thêm nhiều cách mang vỏ trấu vào tranh khác nhau. Chị kể: “Trong một dịp tình cờ, mình phát hiện ra vỏ trấu xay nhỏ, vụn lại mang vẻ đẹp rất riêng. Bởi thế khi làm tranh sen, lúc phải tạo hình cho lá, tùy vào mật độ vỏ trấu ở mỗi vùng của tranh, mình đã rắc những mảnh vụn ấy vào. Không ngờ là hiệu ứng thị giác từ vỏ trấu vụn lại bất ngờ đến vậy, những sợi vỏ tơi, mảnh vô tình trở thành gân lá, các mảnh vỏ cũng tạo nên hiệu ứng lốm đốm vô cùng sinh động”.
Là sản phẩm mới lạ, tranh vỏ trấu của chị Huệ rất được khách hàng tâm đắc. Người mua yêu thích bức tranh không chỉ ở sự kỳ công, nét dung dị chân chất của màu vỏ trấu. Thông điệp bảo vệ môi trường và hiệu ứng lạ mắt từ phế phẩm nông nghiệp này cũng mang đến nét hấp dẫn lạ thường cho bức tranh.
Ông Hùng, một người mua tranh từ chị Huệ cho biết: “Tôi yêu mến bức tranh ở sự sáng tạo, độc đáo và mới lạ. Màu vàng của vỏ trấu rất đẹp, đường nét tranh hài hòa, khiêm nhường nhưng vô cùng tinh tế. Tôi thật sự rất yêu thích những bức tranh làm từ vỏ trấu của chị Huệ”.
Trong thời gian tới, ngoài tìm tòi thêm các cách khác để đưa vỏ trấu vào tranh, chị Huệ sẽ tiếp tục nghiên cứu những ứng dụng khác nhau từ vỏ trấu như đèn bàn vỏ trấu, các sản phẩm lưu niệm từ vỏ trấu. Đối với chị, không đơn thuần chỉ là tạo nên sản phẩm đẹp, mang tính ứng dụng cao, việc sáng tạo nên tranh vỏ trấu còn gửi gắm những thông điệp. Đó là thông điệp bảo vệ môi trường, tận dụng những nguyên, vật liệu sẵn có. Đó cũng là sự tin tưởng vào sức sáng tạo của bản thân, khi không ngừng nỗ lực, những kết quả tốt đẹp sẽ tới.