- Thì con không cho ba đi theo con cũng được, nhưng con hãy vô đây nghỉ chân uống trái dừa cho mát đã, trời nắng nôi như ri!

Chú điệu trẻ mặc dù không lộ vẻ bất kính nhưng lời nói và vẻ mặt cương quyết:

- Dạ không, ba mệt thì ba vô uống nước đi, ba để cho con về chùa, đừng đi theo con nữa!

 

Chị ngồi bán dừa ngay gần đó chứng kiến cảnh hai cha con giằng co, lúc đầu chưa biết chuyện gì nhưng nhìn cử chỉ người đàn ông thiểu não, chị cũng góp vào một câu:

- Thầy ơi, nước dừa tinh tấn lắm, thầy đừng ngại, vào nghỉ chân một chút cho đỡ nắng thầy ạ!

Ngó chừng không thể từ chối mãi, chú đành miễn cưỡng dắt xe lên lề đường, nhưng vẫn nói với cha bằng giọng nho nhỏ:

- Thôi được rồi, nhưng con nói trước là con vô đây mười phút thôi và không uống nước mô nghe!

Chị bán dừa cẩn thận chỉ chặt hai đầu của trái dừa rồi cắm ống hút vào thôi để thầy có thể yên tâm mà uống. Nhưng mặc người cha thuyết phục, vị sư trẻ nhất định không uống.

- Thôi, con không chịu uống cũng được, nhưng con hãy cho ba biết tên chùa nơi con ở để thỉnh thoảng ba lên thăm con!

- Không, con đã nói rồi, con không cho ba lên trên đó, mà ba cũng đừng đi theo con nữa!

- Thôi mà con, bao năm qua ba hối hận lắm rồi, mấy bữa nay đi tìm con mà không được. Chừ ba già rồi, con cho ba biết để lỡ có chuyện chi ba cũng yên lòng nhắm mắt, mà con đi tu ri là mấy năm rồi?

- Con đi tu 5 năm rồi. Mà thôi, con đi đây!

- Con ơi, cho ba biết chỗ ở của con, ba hứa sẽ không làm chi ảnh hưởng đến việc tu hành của con mô!

- Không, con không cho ba biết, ba đã vô trách nhiệm với mạ con con. Chị con cũng đã vì ba mà lưu lạc đất khách quê người. Chừ con mong ba đừng làm phiền con nữa!

Nói xong, điệu đứng lên, vẫn không hề đụng đến chút nước dừa mát ngọt. Người cha vội vàng níu lại, bàn tay già nua nhăn nheo, khóe mắt ánh lên tia nhìn van xin thống khổ. Vị sư trẻ bất giác mềm lòng, nhưng dường như tự trong thẳm sâu vẫn còn âm ỉ nỗi giận hờn còn chưa tan biến. Điệu thấp giọng:

- Thôi con đưa ba số điện thoại của con, khi mô có chuyện chi gấp ba hãy gọi con!

Biết không thể thay đổi, người cha đành đứng lên theo chân chú ra xe. Người cha run run vội vàng lấy chùm nhãn lồng nãy chừ để ở giỏ xe, móc vào xe của con. Thoáng nhìn cha thật nhanh, rồi chú điệu vội vàng đạp xe đi, người cha bất lực trước sự cương quyết của con, đành nhìn theo với ánh mắt buồn rười rượi.

***

Chuyện cách nay đã 10 năm:

Trên chiếc giường ọp ẹp trong căn nhà bé tí rách nát sát bờ ruộng, người phụ nữ gần 50 tuổi nhưng hai hõm mắt đã hóp sâu. Nước da bà xanh nhợt, ốm yếu ho sù sụ dai dẳng từng cơn. Tội nghiệp hai đứa con dại khờ bé bỏng. Vân, con gái lớn mới 13 tuổi mà đã phải đi bán vé số để kiếm tiền nuôi em, nuôi mẹ. Và Tân, đứa con trai út năm nay lên 11 tuổi, một buổi đi học còn một buổi ở nhà chăm lo, săn sóc cho mẹ. Bà mắc bệnh lao phổi đã hai năm nay. Người chồng chuyên đi đánh đàn chầu văn cho các buổi hầu đồng, bà ở nhà vừa làm thợ may vừa chăm sóc con cái.

Thế rồi, một buổi chiều mâm cơm trên bàn đã nguội lạnh mà không thấy chồng về, bụng bà nóng như lửa đốt. Mấy bận ra vào trước bậu cửa ngóng trông nhưng rồi chồng bà vẫn bặt tăm. Thấy tối rồi, bà kêu hai con vào ăn cơm và đi tắm rửa, mở tủ quần áo ra bà mới tá hỏa khi toàn bộ áo quần, tư trang của chồng đã không còn thứ gì trong tủ, kể cả số tiền ít ỏi bà vun vén dành dụm cũng không còn. Biết chuyện, những người hàng xóm qua an ủi bà, từ đó bà mới biết bấy lâu nay ông lén lút qua lại với một cô đào hát. Vậy mà suốt ngày bà thật thà tin tưởng chồng mình, ngỡ dù sao cũng đã có với nhau hai mặt con. Ngờ đâu!

Từ đó, ba mẹ con dắt díu nhau sống trong cơ cực, nhưng không may hai năm nay, bà đau ốm liên miên. Cơn bạo bệnh hành hạ bà không thể làm gì được nữa. Bà đành nuốt nước mắt nhìn hai con đang tuổi ăn tuổi lớn của mình vất vả, chồng vẫn bặt tăm. Mà nghe đâu họ đã dắt nhau vô trong Nam, dựng xây cuộc sống mới. Bà biết mình đã bị phụ phàng, chỉ thương hai con còn thơ dại.

Cu Tân đẩy tấm liếp nhè nhẹ rồi rón rén đi xuống bếp. Hồi nãy nghe nói người ho ăn nhiều nghệ vào sẽ đỡ nên nó chạy ù qua nhà bác Dương hàng xóm xin mấy củ. Nhà bác có trồng khóm nghệ to chỗ gần giếng nước nên củ ngon lắm. Định bụng chiều nay sẽ giã rồi xào nghệ cho mạ ăn, còn bây giờ để mạ ăn cháo cho nhẹ bụng đã. Có nồi cá bống thệ sáng nay, chị Vân kho khô quẹo thật thơm ngon trước khi đi bán. Chị còn cẩn thận dặn: “Em đi học về nhớ đừng la cà, về sớm hâm nóng lại cháo cho mạ ăn!”.

Cu Tân bưng tô cháo đang còn bốc hơi, bỏ thêm vài con cá bống thệ trông thật hấp dẫn. Nó nhẹ nhàng để xuống chiếc bàn nhỏ đặt sát giường mẹ.

Mẹ khó nhọc mở mắt ra. Cu Tân múc một muỗng cháo đưa lên miệng thổi cho nguội rồi đút cho mẹ. Đến muỗng thứ năm thì mẹ ho. Mẹ ho cả tràng dài, mặt mẹ tái đi rồi lả dần trong tay Tân...

Hôm đám tang mẹ, chỉ có hàng xóm đưa tiễn mẹ ra nghĩa trang. Ba vẫn bặt vô âm tín. Nhưng cơ duyên cho Tân gặp một nhà sư đến cúng ma chay cho mẹ, thấy Tân ngoan ngoãn, lễ phép, lại có ý muốn vào nương tựa cửa thiền, nên sau khi dò ý, sư bèn thu nhận Tân làm đồ đệ, hàng ngày ăn chay niệm phật, xa lánh mọi thứ cám dỗ thế gian và cho cu Tân đi học tiếp. Còn chị Vân cũng được một người bà con xa ở trong Nam nhận cưu mang.

***

Điệu Tân dậy từ lúc 3 giờ sáng, thầy đã giao trách nhiệm cho điệu phần việc gióng chuông công phu mỗi ngày nên dậy sớm đã thành nếp quen của điệu. Vệ sinh cá nhân tươm tất, pháp phục chỉnh tề, điệu nhẹ nhàng tém gọn chỏm vá Tu la trước vầng trán thông minh sang một bên tai trái cho gọn ghẽ. Tuần trước sư thầy đã thông tin cho điệu biết rằng, thêm hai mùa trăng nữa là điệu sẽ được cạo hết sạch nhúm Tu la ấy để thọ giới Sa di sau một thời gian chăm lo tu học và trải qua nhiều thử thách. Điệu mừng lắm, nhưng cũng có phần băn khoăn khi sắp sửa lìa xa nhúm tóc cuối cùng của mình. Bất giác điệu nhớ ngày xưa lúc còn nhỏ, ba thường bồng ngửa điệu trên tay để mẹ gội đầu cho điệu mỗi khi trời lạnh giá. Những ngày ấy điệu được sống trong tình thương trọn vẹn của mẹ cha, hạnh phúc biết bao. Điệu nhớ những bữa cơm gia đình đầm ấm, nhớ khi ba làm ngựa cho điệu đi chơi nhong nhong khắp xóm, mẹ âu yếm ngừng mũi kim may, nhìn cha con điệu mỉm cười hiền lành. Bất chợt, hai giọt nước mắt điệu ứa ra, bàn tay giộng chuông đã có phần yếu ớt. Nhớ lời sư phụ dặn, mọi điều trên thế gian này đều vô thường, nên gặp vui sướng hay khổ đau đều phải để lòng bình yên, không quá vướng bận, nên điệu gạt ngay những nỗi phiền muộn của mình, ra tìm chổi quét mấy ngọn lá rơi rớt trước cổng chùa. Lạ thay, những phiền muộn của điệu cũng trôi theo những chiếc lá, chỉ còn lại những ý niệm nhẹ nhàng trong tâm tưởng.

Thật ra, hôm qua khi tan trường, một tiếng gọi từ bên kia đường khiến điệu giật mình thảng thốt: “Ba!”. Từ bên kia đường, người cha vội vã băng qua. Nhưng sau phút giây vui mừng, lòng điệu chợt dấy lên một nỗi sân hận. Người cha đã đang tâm dứt bỏ ba mẹ con điệu để theo người đàn bà khác, biền biệt bao năm giờ đây trở về trong dáng vẻ mệt mỏi, già nua. Nụ cười mừng rỡ trên môi chưa kịp nở đã vụt tắt, bởi bao ký ức đau thương ùa về, khiến con tim điệu muốn chạy ào lại bên cha, nhưng lý trí lại xui bước chân điệu dỗi hờn trốn chạy. Giữa trưa nắng chang chang, người cha già nua chạy xe theo người con giờ đã trở thành con của Phật mà lòng rối bời niềm ăn năn, hối lỗi.

Những nhát chổi theo bàn tay điệu đến đâu sân chùa sạch bong đến đó và muộn phiền cũng theo gió bay đi. Chợt xa xa một tiếng chim non cất lên những tiếng kêu yếu ớt. Bộ lông chú xơ xác, hai mắt thất thần bước lò dò qua những hòn sỏi nhỏ, có lẽ chú đã lạc đường về nhà. Bỗng trên nóc chánh điện, hai chú chim lớn hơn cũng đang kêu to rồi sà xuống bên chim non. Chúng dang đôi cánh ra và cắp con bay lên. Đúng là chim bố và chim mẹ đang tìm cách cứu chim non rồi. Chứng kiến hết cảnh đó, những dỗi hờn, sân hận trong lòng điệu như một khối băng từ từ tan rã, nhường chỗ cho những yêu thương tìm về. Về trai phòng, điệu lục tờ giấy ghi số điện thoại của cha, tần ngần một chút rồi điệu nhắn gửi cha dòng tin: “A di đà Phật, con mời cha hai mùa trăng sau đến dự lễ thế phát ở chùa, nghĩa là con đã chính thức trở thành người xuất gia, là con của Phật rồi. Từ nay cha hãy yên lòng về con, mà giữ gìn sức khỏe. Lúc nào nhớ con, cha hãy lên chùa đảnh lễ Phật và thăm con ạ!

Trang Thùy