Tập trung đánh giá sơ bộ 5 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, 3 năm thực hiện dạy - học theo chương trình, sách giáo khoa mới, các chuyên gia, nhà quản lý, giáo viên trao đổi quan điểm về Chương trình GDPT tổng thể, những điểm mới của chương trình, các môn học và hoạt động giáo dục; nhận định về thực trạng thực hiện Chương trình GDPT 2018 hiện nay trên địa bàn TP. Huế. Từ đó, đề xuất các giải pháp và lộ trình thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT 2018 trong những năm tiếp theo.
Theo ông Nguyễn Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT TP. Huế, sau 3 năm thực hiện dạy - học theo Chương trình GDPT 2018, giáo dục tiểu học TP. Huế đã bước đầu phát huy được những thế mạnh và không ngừng nỗ lực để khắc phục khó khăn, trở ngại. Trong bối cảnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Phòng GD&ĐT TP. Huế đã đề xuất thực hiện nhiều chính sách giáo dục nhằm tạo điều kiện cho các nhà quản lý trường học, đội ngũ giáo viên bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao trình độ nghiệp vụ sư phạm.
Nhiều ý kiến tại hội thảo tập trung thảo luận về việc bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên; thực trạng và giải pháp dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; giáo dục STEM trong bối cảnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa…
Nhiều ý kiến hay được trao đổi tại hội thảo nhằm nâng cao chất lượng dạy học ở bậc tiểu học |
Việc phát triển năng lực giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 được nhiều người quan tâm. Các ý kiến trực tiếp nhấn mạnh những định hướng bồi dưỡng trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên; đề xuất giải pháp xoay quanh những tác động sư phạm về nhận thức, sự chủ động tiếp cận phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại và khả năng thấu cảm, kết nối cộng đồng.
Nhiều vấn đề trọng tâm được đặt ra trong các tham luận tại hội thảo, như: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả dạy học môn toán, tiếng Việt, mỹ thuật; niềm tin trong học toán của học sinh tiểu học; thực trạng tổ chức hoạt động thực hành và trải nghiệm trong môn toán; tích hợp nội dung giáo dục địa phương trong hoạt động trải nghiệm; nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động trải nghiệm thông qua bồi dưỡng cảm xúc cho học sinh... đã mang lại cái nhìn cụ thể, chi tiết, xác thực về quá trình triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở cấp tiểu học.