Từ năm 1990 đến 2019, số người mắc bệnh tăng huyết áp trên toàn cầu đã tăng gấp đôi từ 650 triệu lên 1,3 tỷ người. Ảnh minh họa: Getty Image |
Tăng huyết áp ảnh hưởng đến 1/3 người trưởng thành trên toàn cầu. Tình trạng phổ biến nhưng nguy hiểm này có thể dẫn đến đột quỵ, đau tim, suy tim, tổn thương thận và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Trong 3 thập kỷ từ năm 1990 - 2019, số người mắc bệnh tăng huyết áp (huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên hoặc đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp) đã tăng gấp đôi từ 650 triệu lên 1,3 tỷ người. Gần 50% số người bị tăng huyết áp trên toàn cầu hiện không biết về tình trạng của mình, và hơn 3/4 số người trưởng thành bị tăng huyết áp sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Theo WHO, tuổi già và di truyền có thể làm tăng nguy cơ bị huyết áp cao, nhưng một số yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như chế độ ăn nhiều muối, không hoạt động thể chất và uống quá nhiều rượu cũng có thể làm tăng nguy cơ huyết áp cao.
Thay đổi lối sống như có một chế độ ăn uống lành mạnh hơn, bỏ thuốc lá và vận động nhiều hơn có thể giúp giảm huyết áp. Một số người có thể cần các loại thuốc để có thể kiểm soát bệnh cao huyết áp một cách hiệu quả và ngăn ngừa các biến chứng liên quan.
Cần ưu tiên phòng ngừa và phát hiện sớm
Việc phòng ngừa, phát hiện sớm và quản lý hiệu quả bệnh tăng huyết áp là một trong những biện pháp can thiệp hiệu quả nhất về chi phí trong chăm sóc sức khỏe; do đó, nó cần được các quốc gia ưu tiên như một phần của gói phúc lợi y tế quốc gia được cung cấp ở cấp độ chăm sóc ban đầu. Theo WHO, lợi ích kinh tế của các chương trình này cao hơn chi phí khoảng 18 lần.
“Tăng huyết áp có thể được kiểm soát một cách hiệu quả bằng các chế độ dùng thuốc đơn giản, chi phí thấp, nhưng chỉ có khoảng 1/5 số người bị tăng huyết áp kiểm soát được bệnh này”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho biết và nói thêm rằng các chương trình kiểm soát tăng huyết áp vẫn bị bỏ quên, chưa được ưu tiên và thiếu kinh phí trầm trọng. Theo ông, tăng cường kiểm soát bệnh tăng huyết áp phải là một phần trong hành trình hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) của mỗi quốc gia.
Sự gia tăng số lượng bệnh nhân được điều trị tăng huyết áp một cách hiệu quả ước tính có thể giúp ngăn ngừa 76 triệu ca tử vong, 120 triệu ca đột quỵ, 79 triệu cơn đau tim và 17 triệu trường hợp suy tim từ nay đến năm 2050.
Michael R. Bloomberg, Đại sứ Toàn cầu của WHO về các bệnh không lây nhiễm cho biết: “Hầu hết các cơn đau tim và đột quỵ trên thế giới ngày nay đều có thể được ngăn ngừa bằng các loại thuốc giá cả phải chăng, an toàn, dễ tiếp cận và các biện pháp can thiệp khác, chẳng hạn như giảm lượng natri”. “Điều trị tăng huyết áp thông qua chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ cứu được nhiều mạng sống, đồng thời tiết kiệm hàng tỷ USD mỗi năm”, ông Bloomberg khẳng định.
(Lược dịch từ WHO)