Trẻ em A Lưới đến trạm uống Vitamin A bổ sung theo lịch |
Đồng hành cùng người DTTS
Tại các vùng ĐBDTTS&MN, các chỉ số, dân số, tuổi thọ thấp hơn bình quân cả nước. Sự chênh lệch này một phần do điều kiện đời sống khó khăn, chế độ dinh dưỡng khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế. Tình trạng du canh du cư tự phát, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn phổ biến.
Dự án 7 thuộc Chương trình MTQG ra đời nhằm cải thiện sức khỏe của người DTTS về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ. Tăng cường công tác y tế cơ sở để ĐBDTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng ĐBDTTS&MN.
Theo đó, mới đây UBND huyện A Lưới đã tổ chức Hội nghị triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Hội nghị tập trung bàn các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện. Trong 8 tháng đầu năm 2023, toàn huyện có 13 trường hợp tảo hôn, giảm 4 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022, không xảy ra trường hợp kết hôn cận huyết thống. Mặc dù vậy, tỷ lệ tảo hôn vẫn còn cao so với mặt bằng chung của toàn tỉnh và có xu hướng gia tăng đột biến tại một số địa bàn, như xã Trung Sơn, Hồng Hạ. Tình trạng tảo hôn đã ảnh hưởng đến việc chấp hành các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng gia đình theo 4 tiêu chí “Ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Tại hội nghị này, ông Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị UBND các xã, thị trấn tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác DS, tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động về khám sức khoẻ người cao tuổi. Chú trọng công tác tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống. Phối hợp tổ chức các hoạt động khám sức khỏe cho người cao tuổi trong đợt chiến dịch này đạt kết quả cao. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/04/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số nhanh và kịp thời. Nghiêm túc xử lý vi phạm các hành vi vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh, hiện nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,3%; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020, đảm bảo đáp ứng tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, đặc biệt là vùng ĐBDTTS&MN.
Sở cũng đang đẩy mạnh đầu tư và củng cố mạng lưới y tế cấp xã nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân tại vùng ĐBDTTS. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu như tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng trong nhân dân.
Từng bước cải thiện đời sống
Hiện nay, để nâng cao chất lượng dân số các dân tộc thiểu số, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp cấp bách là đẩy mạnh phát triển KT-XH, cải thiện môi trường sống, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các DTTS.
Sau 5 năm triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đầu tư (trung bình mỗi năm trên 51.000 triệu đồng), vùng ĐBDTTS&MN tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan: Tỷ lệ hộ nghèo DTTS năm 2020 giảm còn hơn 16% (so với năm 2016: gần 34%, bình quân mỗi năm giảm 3 - 4%); 87,5% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, 100% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 80% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh, trên 55% số hộ gia đình sử dụng nước sạch... Bên cạnh đó, chú trọng thực hiện những nội dung của Dự án 7 thuộc chương trình MTQG về phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN về Phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh với sự tham gia của toàn xã hội; đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số nhanh; Nâng cao năng lực quản lý dân số; Phòng, chống bệnh Thalassemia...
Ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Ban Dân tộc cũng đã phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành, địa phương liên quan, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của ĐBDTTS trong hôn nhân và tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm tuyên truyền về hôn nhân và ngăn ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xây dựng, triển khai, nhân rộng mới mô hình điểm đối với địa bàn vùng DTTS có tỷ lệ hoặc nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện Đề án. Qua đó quản lý, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Đề án. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS trên địa bàn” .