Khách quốc tế trao đổi thông tin về các điểm du lịch ở Huế |
Qua rồi thời “hữu xạ tự nhiên hương”
Ngồi trò chuyện với đại diện một số đơn vị lữ hành, tôi thắc mắc về mối liên kết giữa các đơn vị làm du lịch. Đại diện một đơn vị lữ hành ở Huế chia sẻ: “So với giai đoạn trước, mối liên kết giữa các đơn vị đã có chiều hướng tích cực. Nhưng hỏi tốt chưa thì khó trả lời. Đơn cử như giữa các đơn vị lữ hành và lưu trú vẫn còn khoảng cách trong việc phối hợp quảng bá du lịch và các chương trình kích cầu đối với du khách”.
Chuyện vừa kể làm tôi nhớ lại cách đây vài tháng, khi tiếp xúc với một đoàn khách du lịch đến Huế. Đặt câu hỏi về mong muốn trải nghiệm gì ở Huế (?). Họ trả lời muốn tham quan Đại Nội, các lăng tẩm. Ngoài ra, chưa biết có gì nổi bật để kết hợp. Có người bật cười vì cho rằng khách thiếu sự tìm hiểu trước khi đi du lịch. Nhưng xét ở góc độ khác, ngành du lịch tỉnh cũng cần nhìn nhận lại chuyện thông tin về tiềm năng, thế mạnh du lịch Huế chưa lan tỏa rộng rãi đến với khách.
Mới đây, thống kê về sức hút khách du lịch đến các địa phương dịp lễ 2/9 đã chỉ ra sức hấp dẫn ở các địa phương phát triển du lịch. Nếu lượt khách đến Huế trong 4 ngày lễ là hơn 90.000 lượt, doanh thu khoảng 78 tỷ đồng thì nhìn các tỉnh, thành bạn, con số thu hút khách du lịch ấn tượng hơn nhiều. Chỉ riêng ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 535.000 lượt khách, doanh thu 298 tỷ đồng; Khánh Hòa 503.000 lượt, doanh thu 662 tỷ đồng. Hai địa phương gần Thừa Thiên Huế cũng cho thấy sức hút khách du lịch vượt trội là Đà Nẵng 254.000 lượt, doanh thu 915 tỷ đồng; Quảng Bình 160.000 lượt, doanh thu 176 tỷ đồng. Dẫu mọi sự so sánh đều mang tính khập khiễng, nhưng trước mong muốn phát triển, cần phải có những nghiên cứu, đánh giá phù hợp.
Cách đây vài năm, một lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Bình đã chia sẻ câu chuyện: “Tôi vẫn thường trò chuyện thẳng thắn với các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn rằng, nếu làm du lịch mà cứ như thể đi đặt “trộ” đơm cá, đợi khách lạc đường tự tìm đến với mình thì không được. Phải tự thay đổi tư duy làm du lịch, chủ động tạo ra cơ hội, tự quảng bá bằng nhiều hình thức mới mong xứng tầm với tiềm năng”. Chia sẻ của vị lãnh đạo này đến nay vẫn còn rất đúng với nhiều địa phương. Đã đến lúc, các đơn vị làm du lịch cần quan tâm đầy đủ tới việc xây dựng, đổi mới cách thức quảng bá, giới thiệu du lịch bởi hiện nay, quan điểm “hữu xạ tự nhiên hương” không còn chỗ trong tư duy về kinh tế du lịch.
Marketing du lịch hiệu quả
Tháng 2/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL phê duyệt chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, du lịch Việt Nam sẽ hướng đến củng cố, nâng cao sự nhận biết, hiểu biết, sự quan tâm, yêu thích và sự hài lòng đối với điểm đến du lịch Việt Nam; tăng lượng truy cập website, lượng thành viên tham gia các nền tảng mạng xã hội của Tổng cục Du lịch, tăng phạm vi tiếp cận và mức độ tương tác của các hoạt động marketing kỹ thuật số.
Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 là căn cứ để ngành du lịch tỉnh xây dựng những chiến cụ thể, gắn với đặc trưng, thế mạnh, thương hiệu du lịch địa phương trong tính thống nhất với du lịch cả nước. Dựa trên những nét nổi bật của du lịch Cố đô, ngành du lịch tỉnh cùng các đơn vị cần tìm các giải pháp, cách làm hiệu quả để lan tỏa giá trị, hình ảnh du lịch địa phương.
Hiện, xu hướng marketing đang chuyển dịch mạnh mẽ theo sự phát triển của công nghệ và nội dung số, những người làm truyền thông cho du lịch miền Hương Ngự cần thay đổi phương thức marketing và làm sao để dịch vụ du lịch Thừa Thiên Huế tiệm cận với nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.
Nhóm giải pháp quảng bá qua các công cụ chính rất quan trọng. Quảng bá qua website, email nhằm giới thiệu chung về hình ảnh đất nước, con người, những cảnh quan thiên nhiên, phong tục tập quán, lễ hội, sự kiện văn hóa du lịch nổi tiếng, hấp dẫn; kết nối các đoạn chương trình giới thiệu của các doanh nghiệp du lịch, trình bày bằng nhiều ngôn ngữ và hình ảnh để khách hàng dễ dàng truy cập, nắm bắt thông tin, liên kết với nhau và với các trang web nổi tiếng để du khách nước ngoài dễ dàng tìm kiếm.
Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch cho biết, hiện, ngành du lịch cũng đang triển khai nhiều giải pháp để marketing, quảng bá thông tin du lịch. Có 3 giải pháp mà du lịch Cố đô mong muốn và tập trung thực hiện, đó là kết nối các doanh nghiệp du lịch trên cả nước về Huế khảo sát, đánh giá và xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, quảng bá điểm đến Thừa Thiên Huế. Đẩy mạnh tham gia các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế. Thứ ba và khó nhất là mời các blogger, những người nổi tiếng về tham quan, trải nghiệm và quảng bá nét đẹp Cố đô. Khó khăn ở đây là vấn đề kinh phí rất lớn, trong khi cơ chế và nguồn ngân sách có hạn, rất cần nguồn lực xã hội hóa với sự hợp lực của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân.
Để thúc đẩy du lịch, tính gắn kết giữa Nhà nước - doanh nghiệp phải thực chất. Cơ quan quản lý về du lịch chịu trách nhiệm về định hướng, chiến lược nhưng doanh nghiệp là đơn vị tạo ra sản phẩm. Cần sự phối hợp chặt chẽ thì mới tạo ra sự thu hút du khách.