Các thầy thuốc ký cam kết không sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã trong y học cổ truyền |
Do niềm tin, nhận thức
Nhiều tài liệu y học cổ truyền (YHCT) đề cập đến việc sử dụng một số bộ phận của động vật hoang dã (ĐVHD) làm thuốc, như: hùng đởm (mật gấu), xuyên sơn giáp (vảy tê tê), sừng tê giác, hổ cốt (xương hổ)… Trong đó, mật gấu, vảy tê tê, sừng tê giác được săn lùng bởi người ta cho rằng, chúng có thể chữa bệnh ung thư cũng như các bệnh nan y khác.
Mặc dù qua truyền thông, xu hướng sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD có giảm song người dân vẫn săn lùng mật gấu, vảy tê tê, sừng tê giác… dù cho việc mua bán diễn ra phức tạp, trái pháp luật. Đơn cử từ năm 2017 - 2021, cơ sở dữ liệu vi phạm về ĐVHD của trung tâm Giáo dục thiên nhiên ghi nhận 342 vụ vi phạm liên quan đến quảng cáo, rao bán, tàng trữ, vận chuyển sừng tê giác tại Việt Nam.
TRAFFIC (Tổ chức phi chính phủ về hoạt động thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên) cũng nêu kết quả nghiên cứu từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022, có hơn 8.000 quảng cáo sản phẩm từ voi, tê giác, tê tê, rùa cạn và rùa nước ngọt trên các trang thương mại điện tử và mạng xã hội tại Việt Nam. Trong đó, hơn 93% các quảng cáo sản phẩm từ tê tê là vảy tê tê và thuốc từ vảy tê tê. Điều này một phần do nhu cầu sử dụng của các thầy thuốc và bệnh nhân. Việc sử dụng các loài ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng cho mục đích y học là bất hợp pháp, vi phạm nhiều giá trị về mặt đạo đức xã hội.
Một khảo sát của nhóm cán bộ giảng viên Trường đại học (ĐH) Y - Dược, ĐH Huế mới đây ở 120 người điều trị bằng YHCT tại các cơ sở thuộc 31 phường, xã, vùng lân cận TP. Huế cho thấy có 9,2% đối tượng nghiên cứu đang sử dụng mật gấu, số người đang sử dụng vảy tê tê chiếm tỷ lệ 9,2%, 4 người sử dụng cao xương hổ điều trị… Mặc dù chỉ là số liệu phục vụ cho việc nghiên cứu đánh giá, song điều này cũng cho thấy cần tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người sử dụng bởi đó là hành vi vi phạm.
Niềm tin về lợi ích sản phẩm cộng với lợi nhuận khiến một lớp người vẫn sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD. Lương y Lê Hữu Mạch, chủ tiệm thuốc Đồng Cát (TP. Huế) cho hay: “Một số sản phẩm từ ĐVHD vẫn còn vãng lai trên thị trường do mua bán, một số khác thì là vật lưu truyền gia đình để lại. Cách đây mấy năm, từng có người mang sừng tê giác đến nhà nhờ mài để chữa bệnh nhưng vì không có máy móc nên tôi từ chối”.
Tuyên truyền tiến tới đồng thuận
Nâng cao nhận thức bảo tồn ĐVHD, quý hiếm thông qua việc hạn chế, chấm dứt sử dụng trong YHCT đang là vấn đề được quan tâm. Điều này không khó song cần có thời gian và cách làm phải đồng bộ từ thầy thuốc cho đến bệnh nhân.
Lương y Hoàng Lưu (TP. Huế) đã có 30 năm gắn bó với nghề. Tiệm thuốc của ông rất ít sử dụng vảy trút, mật gấu, cao hổ… Việc không dùng sản phẩm từ ĐVHD trong điều trị vừa giảm chi phí cho bệnh nhân vừa góp phần bảo vệ môi trường. Theo ông, không có gì là thần dược trị bá bệnh, nên có thể tìm vị thuốc từ cây cỏ thay thế cho động vật.
Nêu quan điểm cá nhân trong việc hạn chế, tiến tới không sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD, lương y Nguyễn Văn Hiền cho rằng, thuốc là do thầy thuốc kê đơn và hướng dẫn chứ bệnh nhân không đòi hỏi, do đó, vai trò của lương y rất quan trọng. Họ chính là người quyết định sử dụng vị thuốc nào và điều trị ra sao.
Có nhiều tài liệu từ các nghiên cứu, chuyên trang YHCT trên internet dẫn chứng cho việc tìm kiếm dược liệu thay thế cho việc sử dụng sản phẩm từ ĐVHD. Có thể thay thế tê giác bằng sừng trâu như bài thuốc thanh tâm ngưu hoàng. Thay sơn xuyên giáp bằng trư tiềm đề (móng heo) trị tắc sữa, thêm một số loại lá điều trị hiệu quả. Thay sử dụng mật gấu bằng 32 cây thuốc đã được Hội Đông Y Việt Nam phổ biến…
Lương y Trần Văn Bình dẫn chứng, thay vì dùng vảy tê tê điều trị tắc sữa, một bệnh nhân từ Nha Trang ra Huế công tác đến khám và được ông kê bài thuốc thập toàn đại bổ, gia giảm thêm vị thuốc tiêu viêm và đã hết bệnh trong vài ngày.
Công tác tuyên truyền giải pháp thay thế, tiến tới sự đồng thuận không sử dụng ĐVHD làm vị thuốc trong YHCT đang được các cơ quan chức năng, các tổ chức, hội Đông y, hội Châm cứu, khối giáo dục cao đẳng - đại học trên toàn quốc triển khai rộng rãi... Tiên phong về lĩnh vực này trong công tác giáo dục, đào tạo, TS.BS. Đoàn Văn Minh, Trưởng khoa YHCT, BV Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế thông tin: “Sinh viên khoa được học về các nguyên lý tái lập cân bằng, cân bằng sức khỏe con người và sức khỏe môi trường. Trong sức khỏe môi trường có hướng đến bảo tồn các động vật quý hiếm. Trong giáo trình đào tạo, ĐVHD đã được đưa ra khỏi các bài thuốc, chúng tôi thay bằng các sản phẩm khác có tính dược tương đương”.
Nâng cao ý thức của người dân và thầy thuốc, nhấn mạnh công tác tuyên truyền giải pháp thay thế tiến tới sự đồng thuận của cộng đồng trong hạn chế sử dụng thuốc YHCT có nguồn gốc từ ĐVHD đang là hướng đi nhận được nhiều hưởng ứng. Bà Nguyễn Thị Thu Hiếu, Quản lý cao cấp Chương trình ĐVHD của CHOICE tại Huế cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực nhằm xây dựng mạng lưới trong vấn đề này để các thành viên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm. CHOICE dự kiến sẽ tổ chức tập huấn bài thuốc thay thế việc sử dụng ĐVHD để các lương y cùng tham khảo, trao đổi và áp dụng vào điều trị”.