Ước tính mỗi năm, có hơn 10 triệu người mắc bệnh và hơn 1 triệu người tử vong vì bệnh lao. Ảnh: Shutterstock |
Tuyên bố này đưa ra các mục tiêu mới đầy tham vọng trong 5 năm tới, bao gồm cung cấp các dịch vụ phòng ngừa và chăm sóc bệnh lao cho 90% người dân, sử dụng xét nghiệm nhanh do WHO khuyến nghị làm phương pháp chẩn đoán bệnh lao đầu tiên; cung cấp các gói phúc lợi xã hội cho tất cả người mắc bệnh lao; cấp phép ít nhất một loại vaccine lao mới; và thu hẹp khoảng cách tài trợ cho việc thực hiện và nghiên cứu bệnh lao vào năm 2027.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lao là bệnh truyền nhiễm gây tử vong đứng thứ hai trên toàn thế giới sau COVID-19, với khoảng 1,6 triệu ca tử vong chỉ riêng trong năm 2021. Loại vaccine được cấp phép duy nhất hiện có là BCG, đã được phát triển từ hơn một thế kỷ trước.
Tiến độ thực hiện các mục tiêu năm 2018
Đánh giá tiến độ 5 năm hướng tới các mục tiêu đã đặt ra vào năm 2018, WHO cho biết mặc dù các nỗ lực toàn cầu chống lại bệnh lao đã cứu được hơn 75 triệu sinh mạng kể từ năm 2000, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, chủ yếu là do các dịch vụ phòng, chống và điều trị lao bị gián đoạn nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19 và các cuộc xung đột đang diễn ra. Ước tính, chỉ có 34 triệu trong số 40 triệu người mắc bệnh lao được tiếp cận điều trị từ năm 2018 đến năm 2022. Đối với điều trị dự phòng bệnh lao, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn, chỉ có 15,5 triệu trong số 30 triệu người mục tiêu được tiếp cận điều trị dự phòng.
Nguồn tài trợ cho các dịch vụ phòng, chống lao ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cũng đã giảm từ 6,4 tỷ USD năm 2018 xuống còn 5,8 tỷ USD vào năm 2022, thể hiện sự thiếu hụt tài chính 50% trong việc thực hiện các chương trình cần thiết phòng, chống bệnh lao. Nguồn tài trợ hàng năm cho nghiên cứu bệnh lao dao động từ 0,9 tỷ - 1 tỷ USD trong giai đoạn 2018 - 2022, chỉ bằng 50% mục tiêu đề ra.
Điều này đã đặt gánh nặng, thậm chí còn nặng nề hơn lên những người bị ảnh hưởng. Thống kê cho thấy, mỗi năm, có hơn 10 triệu người mắc bệnh và hơn 1 triệu người tử vong vì căn bệnh vốn có thể phòng ngừa và chữa trị này. Bệnh lao kháng thuốc tiếp tục là nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng kháng sinh với gần 500.000 người/năm mắc bệnh lao kháng thuốc.
Ra mắt Hội đồng Thúc đẩy Tiến trình phát triển vaccine lao
Tại cuộc họp lịch sử này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus đã chính thức ra mắt Hội đồng Thúc đẩy Tiến trình phát triển vaccine lao nhằm tạo điều kiện phát triển, cấp phép và sử dụng các vaccine lao mới. Hội đồng sẽ được lãnh đạo bởi một ban bộ trưởng gồm 9 thành viên, phục vụ luân phiên trong nhiệm kỳ 2 năm. Hội đồng cũng sẽ có các cơ quan trực thuộc để hỗ trợ sự tương tác và gắn kết với các lĩnh vực và bên liên quan khác nhau một cách rộng rãi, bao gồm khu vực tư nhân, các nhà khoa học, tổ chức từ thiện và xã hội dân sự.
Hội đồng nhằm mục đích xác định các nguồn tài chính bền vững, sáng tạo, các giải pháp thị trường và quan hệ đối tác giữa các khu vực công, tư nhân và từ thiện. Nó sẽ thúc đẩy các nền tảng như Liên minh châu Phi, ASEAN, các nước BRICS, G20, G7 và các nước khác để tăng cường cam kết và hành động nhằm phát triển vaccine lao mới.