Người dân chờ nhận hàng cứu trợ tại tỉnh Balochistan, Pakistan. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong đại dịch COVID-19, các Chính phủ đã chủ yếu dựa vào bảo trợ xã hội như một công cụ chính sách quan trọng để bảo vệ người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương. Khi cuộc khủng hoảng tiếp diễn, điều này đã cho thấy thêm bằng chứng về vai trò của bảo trợ xã hội, không chỉ là công cụ ứng phó với khủng hoảng ngắn hạn, mà còn là công cụ chính sách quan trọng để xây dựng khả năng phục hồi và phúc lợi lâu dài cho đông đảo người dân.

Dựa trên những bài học và kinh nghiệm trong những năm qua, ADB nhận thấy những xu hướng mới nổi về bảo trợ xã hội. Đầu tiên là việc mở rộng phạm vi cho các nhóm dễ bị tổn thương. Đại dịch đã nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo trợ xã hội toàn dân. Nhiều quốc gia đã phản ứng bằng cách cung cấp sự kết hợp tổng hợp giữa các chương trình bảo hiểm xã hội, hỗ trợ xã hội và thị trường lao động; đồng thời chứng kiến các chương trình hỗ trợ xã hội mới và được mở rộng dành cho người khuyết tật.

Thứ hai là việc lồng ghép bảo trợ xã hội với các dịch vụ xã hội. Các hệ thống bảo trợ xã hội ở châu Á sẽ tích hợp với các dịch vụ xã hội, vừa cải thiện khả năng tiếp cận, vừa liên kết với những chương trình toàn diện hơn. Tiếp đó, tăng cường khía cạnh xã hội của quá trình chuyển đổi sang sinh kế xanh và bền vững. Các Chính phủ, tổ chức quốc tế và tổ chức xã hội dân sự thừa nhận tốc độ gia tăng của biến đổi khí hậu là thách thức phát triển lớn nhất của thời đại. Những cú sốc khí hậu nghiêm trọng hơn đang thúc đẩy sự cấp thiết phải phát triển các hệ thống bảo trợ xã hội có khả năng thích ứng và ứng phó với các cú sốc. “Tương lai bao gồm việc liên kết bảo trợ xã hội với các chiến lược đa ngành, hỗ trợ lồng ghép các sáng kiến về khí hậu, phát triển và công bằng khi giải quyết tình trạng nghèo đói và góp phần hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững”, ADB nhấn mạnh.

Ngoài ra, khi các hệ thống bảo trợ xã hội đã dần áp dụng các đổi mới sáng tạo kỹ thuật số trong cơ chế đăng ký và thanh toán trong những thập kỷ trước, đại dịch đã nhanh chóng đẩy nhanh quá trình số hóa trên khắp châu Á, bao gồm y tế từ xa, học tập từ xa, các thị trường điện tử, sinh kế thích ứng, tài chính toàn diện và các lĩnh vực phát triển khác. Công nghệ kỹ thuật số đã cho phép các Chính phủ và đối tác phát triển cung cấp hiệu quả những lợi ích bảo trợ xã hội cho hàng triệu người.

Những xu hướng khác bao gồm việc phát triển giám sát, thu thập dữ liệu và bằng chứng cho các hệ thống bảo trợ xã hội hiệu quả hơn; và đầu tư phát triển thời thơ ấu và tập trung vào thanh niên, sự đầu tư này được xác định là một trong những sáng kiến mang lại thành quả cao nhất giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

LÊ THẢO (Lược dịch từ Adb.org)