Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ngày càng được hòa nhập, vui chơi cùng bạn bè đồng trang lứa |
Gia đình, nhà trường và xã hội cùng có trách nhiệm
Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 4.200 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trên 10.000 trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, khó khăn. Phần lớn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tập trung ở những địa phương có điều kiện kinh tế còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nên chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa.
Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, bạo lực học đường, tai nạn thương tích vẫn còn diễn ra. Không ít trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau còn phải bỏ học. Cơ sở vật chất, thiết bị, bể bơi, các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em còn thiếu, các hình thức vui chơi, giải trí còn nghèo nàn, chưa phù hợp với trẻ. Việc huy động nguồn lực trong xã hội dành cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, hạn chế nói trên, trong đó có nguyên nhân chủ quan là do một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự ưu tiên, quan tâm sâu sát đến trẻ, đến công tác phòng, chống xâm hại, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em. Sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, giữa gia đình, nhà trường và xã hội tại một số địa phương có lúc chưa chặt chẽ. Một số địa phương, trường học chưa thường xuyên, quyết liệt trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em cho các bậc phụ huynh và chính các em học sinh, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Đáng quan tâm là có một bộ phận gia đình chỉ lo tập trung vào phát triển kinh tế, bố mẹ đi làm ăn xa, con cái ở nhà với ông bà, anh chị, thiếu sự quan tâm, giám sát, bảo vệ trẻ. Một số gia đình, nhất là các gia đình sống trong môi trường, địa lý gần sông, suối, khe, đập... còn chủ quan, xem nhẹ vấn đề quản lý, giám sát, giáo dục trẻ em về kiến thức, kỹ năng bơi, kỹ năng cứu đuối, an toàn trong môi trường nước; chưa có khả năng đề phòng và sơ cứu khi trẻ em gặp phải tai nạn đuối nước. Nhiều em còn thiếu các kỹ năng sinh tồn, kỹ năng về phòng, chống xâm hại bạo lực, tình dục, kỹ năng về bơi, cứu đuối an toàn trong môi trường nước. Vì thế, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn của tỉnh vẫn rất cần sự quan tâm, sát cánh và trách nhiệm của gia đình, nhà trường và sự giúp đỡ của toàn xã hội để các em có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi giải trí...
Chưa bao giờ là đủ
Tuy còn nhiều tồn tại, song thời gian qua, trẻ em trên địa bàn tỉnh ngày càng được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tốt hơn. Các em được quan tâm chăm sóc sức khỏe, giáo dục, được tạo điều kiện trong hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí lành mạnh, phát triển toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ. Đặc biệt, việc chăm sóc, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trẻ khuyết tật, trẻ em bị bệnh phải điều trị dài ngày, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được xã hội hóa sâu rộng.
Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và nhiều cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì vai trò cầu nối, địa chỉ tiếp nhận các phần quà, nơi gửi gắm niềm tin của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Hàng ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ, giúp đỡ thông qua việc xây nhà ở, tặng quà, cấp học bổng, cấp xe lăn, xe đạp, tổ chức phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị khuyết tật... Những suất học bổng, phần quà đầy tính nhân văn và những sẻ chia, trợ giúp kịp thời từ các nhà tài trợ, nhà hảo tâm không chỉ giúp các em về mặt vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần. Nhờ sự yêu thương, bao bọc của cộng đồng xã hội, các em có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, trong học tập để lập nghiệp sau này và giúp nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt được phát triển toàn diện và hòa nhập tốt với cộng đồng.
Ngoài những trợ giúp tạm thời, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành nhiều mô hình trợ giúp, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng được triển khai ở nhiều địa phương như Phú Vang, Phong Điền, TP. Huế, A Lưới...; hay mô hình câu lạc bộ trẻ em như: bóng đá, kỹ năng sống, tuyên truyền măng non, âm nhạc... được thành lập tại các địa phương, cơ sở bảo trợ xã hội và trong trường học... là "kênh" giúp các em rèn luyện, trải nghiệm, thể hiện tài năng, kỹ năng sống, biết yêu thương, giúp đỡ mọi người. Ngoài ra, với hơn một trăm điểm vui chơi từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã dành cho trẻ em và hàng trăm trường mẫu giáo, trường tiểu học có sân chơi, được lắp đặt thiết bị vui chơi ngoài trời càng làm phong phú, đa dạng, hiện đại hóa điểm vui chơi, vận động cho trẻ.
Nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em luôn được toàn xã hội quan tâm, tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện thông qua việc tiếp cận ngày càng nhiều các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức văn hóa, thể thao và tham gia vào các diễn đàn của trẻ em. Nhiều chương trình, hoạt động vui Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu, tết cổ truyền, dịp hè... đều được các cơ sở chăm sóc trẻ em, đơn vị, địa phương tổ chức tạo nên không gian vui chơi, gắn kết tình cảm gia đình, bạn bè, người thân, giúp để lại những kỷ niệm, ấn tượng tốt đẹp trong tâm hồn mỗi trẻ thơ.