Hàng hoa quả ở chợ Trường An ế ẩm vì sức mua của người dân giảm |
Chợ Trường An phục vụ cho một khu vực dân cư rộng lớn ở phía tây TP. Huế. Ngoài khu vực Trường An còn cho cả người dân ở miệt Thủy Xuân, Thủy Bằng, một vùng ở phường An Tây cho nên chợ Trường An cũng sầm uất. Không thuộc hàng sang, nhưng chợ không thiếu thứ gì. Ở đây là sự trộn lẫn cả “chợ cán bộ và chợ công nhân” – nếu có thể định nghĩa, tạm thống nhất nội hàm nói trên là: chợ “cán bộ” là chợ tương đối sang, chợ “công nhân” là chợ bán những mặt hàng với giá cả bình dân hơn. Cũng lạng tôm rảo (tôm tự nhiên đầm phá) đấy nhưng chợ sang thì tuyển tôm lớn hơn, chợ bình dân thì bán tôm nhỏ hơn.
Bước qua tháng 9, chợ Trường An có vẻ như sức mua giảm hẳn. Những nhà thống kê thì nhìn sức tiêu dùng qua chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, xem nó tăng hay giảm, cao hay thấp; mức trượt giá (CPI) như thế nào. Còn người dân bình thường thì nhìn thấy người mua ít hơn, lượng hàng hóa ít hơn. Tôi có quen một người bán hoa quả ở chợ này, thấy từ tháng 9 không đi bán nữa. Hỏi ra thì được cô cho biết: Chợ ế quá. Hỏi thêm: Cô có biết vì sao chợ ế không? Cô nói, có lẽ vì là vào đầu năm học mới, thu nhập của người dân có được đã dành một phần cho con cái nhập học.
Lời giải thích của cô “hàng hoa” nói trên không biết đúng đến mức độ nào, nhưng xem ra cũng có lý. Với người thu nhập cao thì không nói làm gì, với những người lao động kiếm ngày công thì mỗi kỳ vào năm học mới quả là một áp lực về tài chính. Đủ thứ cần chi tiêu cho con cái từ sách vở, cặp sách, quần áo đến các loại chi phí nộp ở trường. Các nhà thống kê cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Thừa Thiên Huế tăng 16,2% so với cùng kỳ, trong đó riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 13,4%. Có vẻ như, con số này phản ánh không đúng thực tế với chợ Trường An, trong tháng 9, nếu nhìn vào sự sôi động, lượng hàng hóa, sức tiêu dùng. Nếu bán đắt hàng thì cô hàng hoa kia đã không tạm nghỉ đứng quầy!? Ít nhất là những mặt hàng không thuộc loại thiết yếu. Điều này cũng đúng với chỉ số sau đây: Sức mua không tăng nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng biến động rất ít, chỉ 1,72% trong 7 tháng đầu năm. Riêng tháng 7 hầu như sự biến động giá không đáng kể, chỉ ở mức 0,32%.
Nhìn ở tầm vĩ mô, sức mua của người tiêu dùng cũng giảm đáng kể qua chỉ số nhập khẩu. 8 tháng đầu năm 2023, chỉ số nhập khẩu của Việt Nam đã giảm gần 40 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Điều này phù hợp với các thông tin như nhiều công ty cho công nhân nghỉ việc do thiếu đơn hàng; người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng đột biến; thị trường bất động sản trầm lắng kéo theo hàng loạt thị trường khác đi xuống theo… Có lẽ vì nhập khẩu giảm nên chỉ số xuất siêu của Việt Nam đạt gần 20 tỷ USD.