Đón đoàn du khách quốc tế đến Huế bằng đường hàng không |
Chờ những chuyến bay thương mại
Phú Bài trở thành Cảng HKQT thứ 4 của cả nước từ rất sớm, sau quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ngày 29/8/2007. Tuy nhiên, phải đến tháng 4/2023, kể từ khi Nhà ga T2 - Cảng HKQT Phú Bài đi vào hoạt động, những tín hiệu tích cực về đường bay quốc tế mới thực sự khởi sắc. Mới đây, khi đến Huế để khảo sát tour tuyến, các sản phẩm du lịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành đánh giá về sân bay Phú Bài với nhiều lời ngợi khen: “Đã ra dáng của một sân bay quốc tế sang trọng”.
Vài thập kỷ trở lại đây, giao thông đường hàng không trở thành một “chất xúc tác”, có khả năng kéo gần khoảng cách địa lý, kinh tế, văn hóa giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ và các địa phương, thúc đẩy du lịch phát triển. Do vậy, xây dựng các chính sách nhằm “mở cửa bầu trời” được Chính phủ, các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Chính sách này đang và sẽ góp phần tạo ra một cánh cửa rộng nhìn ra thế giới.
Sau khi khi Nhà ga T2 - Cảng HKQT Phú Bài đi vào hoạt động, phi trường này đã đón và đưa khách từ thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc); Seoul (Hàn Quốc); Đài Bắc (Đài Loan) đến Huế. Gần đây, khi đón đoàn khách từ Đài Loan đến Huế, lãnh đạo ngành du lịch cho biết, trong năm 2023, Công ty cổ phần Lữ hành Quốc tế Hải Vân Cát phối hợp với đối tác phía Đài Loan và Công ty cổ phần Hàng không Vietjet tiếp tục mở thêm nhiều chuyến bay đưa khách du lịch từ thị trường khách Đài Loan đến Thừa Thiên Huế với tần suất 3 chuyến/tuần kéo dài từ 18/8 - hết tháng 10/2023.
Khách quốc tế làm thủ tục nhập cảnh tại Sân bay quốc tế Phú Bài |
Các đường bay thẳng vừa qua đánh dấu mốc mới cho thấy khả năng mở cánh cửa ra thế giới từ một địa phương chọn du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, trên thực tế, những chuyến bay charter được xem là những chuyến bay thử nghiệm, có tính chất thăm dò thị trường. Để thực sự khẳng định khả năng kết nối, giao thương, nhất là trong lĩnh vực du lịch giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của nhiều nước bạn, kỳ vọng lớn hơn là các chuyến bay thương mại.
Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch cho rằng, không dễ một sớm một chiều có thể khai thác các chuyến bay thương mại, mà cần phải một quá trình dài với nhiều nỗ lực, xây dựng và mở ra các chuyến bay charter để quảng bá, truyền thông và tạo thói quen cho du khách một cách thường xuyên, liên tục. Trung bình, phải mất khoảng 3 năm cho nhiệm vụ này.
Chủ trương của tỉnh khi Nhà ga T2 của Cảng HKQT Phú Bài được đưa vào khai thác là phát triển các chuyến bay nội địa; nghiên cứu mở các chuyến bay đến các địa phương khác; ưu tiên mở các chuyến bay đến Singapore, Thái Lan và mở chuyến bay đến các thị trường khác, như: Ma Cao, Đài Loan…; tăng cường tần suất các chuyến bay đi và đến Cảng HKQT Phú Bài. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình kỳ vọng, bằng nhiều giải pháp, nỗ lực của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đơn vị, Thừa Thiên Huế sẽ khai thác các chuyến bay thương mại với tần suất ổn định trong thời gian tới.
Hợp lực nhiều giải pháp
Một tín hiệu tích cực là sự chủ động của chính quyền địa phương, ngành du lịch trong hợp tác hàng không - du lịch với các công ty hàng không, các đối tác quốc tế đã mở ra nhiều triển vọng mới. Trong đó, tại các buổi làm việc với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Ban Thương mại - Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, các bên đã đi đến thống nhất trong việc mở thêm đường bay mới, liên kết xúc tiến chuyến bay quốc tế và tạo cơ hội cho du lịch phát triển mạnh.
Ông Đinh Việt Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng không Vietjet cho biết, đối với Thừa Thiên Huế, Vietjet đã khai thác đường bay quốc tế đầu tiên đến sân bay Phú Bài từ Côn Minh (Trung Quốc) cùng với đường Huế - Seoul (Incheon, Hàn Quốc), Huế - Đài Bắc (Đài Loan). Vietjet mong muốn và sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan của tỉnh, Cảng HKQT Phú Bài để tổ chức thêm nhiều chuyến bay hơn nữa, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh những giải pháp đã thực hiện, để kéo gần thời gian tới các chuyến bay thương mại đòi hỏi chính quyền địa phương, ngành du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch và các đơn vị liên quan hợp lực để đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, truyền thông hình ảnh, sản phẩm du lịch địa phương; xây dựng các sản phẩm du lịch mới độc đáo, nổi trội để hút khách.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, ngành du lịch tỉnh cũng tham mưu cho chính quyền tỉnh các chính sách tạo điều kiện thuận lợi, vận động các doanh nghiệp du lịch địa phương có chính sách giá ưu đãi cho các hãng bay và đơn vị lữ hành đưa khách đến Thừa Thiên Huế; hỗ trợ kết nối và quảng bá cho doanh nghiệp du lịch tỉnh xây dựng các sản phẩm mới, đặc biệt là du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE, du lịch làng nghề truyền thống và du lịch tâm linh để bổ trợ thêm cho du lịch di sản. Ngành du lịch tỉnh cũng nỗ lực tạo ra các chương trình ưu đãi, kích cầu và tạo sự thân thiện để gây ấn tượng mạnh trong lòng du khách.