Quan tâm đến môi trường, doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao

Trách nhiệm xã hội của DN trước tiên là tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thanh tra kiểm tra… Trong lĩnh vực môi trường, DN có trách nhiệm với các tác động tới môi trường và cuộc sống cộng đồng, thông qua các hành vi kiểm soát ô nhiễm và xử lý, tái chế chất thải, tiết kiệm tài nguyên. Khi DN tuân thủ pháp luật môi trường sẽ đạt được nhiều lợi ích thiết thực.

Những năm qua, từ Trung ương đến địa phương đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các DN quan tâm đến môi trường, như đổi mới công nghệ, trang, thiết bị, máy móc, phát triển sản phẩm mới, hiện đại hóa quản lý nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa với tiêu chí xanh, sạch… nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ở Thừa Thiên Huế nhiều chính sách đã ban hành, như hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn giai đoạn 2020-2030; xây dựng Quỹ BVMT hỗ trợ DN tiếp cận, đầu tư, quan tâm đến công tác BVMT. Điều dễ nhận thấy, khi DN làm tốt công tác BVMT lại đạt được hiệu quả  kinh tế cao, cụ thể như trường hợp Nhà máy xi măng Đồng Lâm mỗi năm lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng từ việc đầu tư đồng bộ công nghệ lò quay tiên tiến để kiểm soát khói bụi ra môi trường.

Đầu năm 2022, Luật BVMT 2020 bắt đầu được thực thi với nhiều điểm mới mang tính đột phá, đề cao vai trò người dân, DN là vị trí trung tâm đối với hoạt động BVMT. Trong đó, trách nhiệm của DN phải chú trọng thúc đẩy hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải; thúc đẩy việc sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường… 

Trung tuần tháng 9 vừa qua, một diễn đàn "DN với Luật BVMT tại khu vực miền Trung" do Sở TN&MT phối hợp với Trung tâm Truyền thông TNMT (Bộ TN&MT) tổ chức diễn ra tại TP. Huế. Tại đây đã có hơn 150 DN trao đổi, thảo luận về các điểm mới trong Luật BVMT 2020 với các báo cáo viên đến từ Bộ TN&MT.

Dịp này, ông Đặng Phước Bình, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thừa Thiên Huế cho rằng, trong quá trình triển khai thi hành Luật BVMT hiện nay nhiều DN đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc một số điều khoản, các văn bản hướng dẫn, phạm vi áp dụng, hoặc việc phân định đối tượng thực hiện thủ tục hành chính về BVMT (giấy phép môi trường, báo cáo ĐTM) căn cứ theo nội dung dự án, quy mô công suất… còn liên quan, chồng chéo đến nhiều văn bản của nhiều Luật khác khiến các DN lúng túng trong áp dụng thực hiện.

Qua diễn đàn trên, nhiều DN mong muốn bộ, ngành Trung ương liên quan sớm ban hành bộ tài liệu về văn bản pháp luật, trong đó có đầy đủ các quy định về BVMT và trách nhiệm xã hội của DN. Bên cạnh đó các DN đề xuất tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi và chính sách giảm, miễn thuế để có nhiều thuận lợi quan tâm đến công tác BVMT.

Thực tế, mục tiêu quan trọng của DN luôn hướng đến là lợi nhuận, nên trong nhận thức của họ, việc thực hiện quản lý môi trường là tốn kém, giảm lợi nhuận. Để thay đổi nhận thức đó, một giải pháp hơn bao giờ hết là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội để mỗi DN xây dựng kế hoạch quản lý môi trường phù hợp.

Bài, ảnh: MINH HOÀI