Tuyến đê Tây Ô Lâu với cao trình thấp, hư hỏng một số điểm gây ngập úng |
Tuyến đê bao nội đồng trên địa bàn thị trấn Phú Đa và xã Phú Lương (Phú Vang) với chiều dài gần 1km, được xây dựng nhiều năm, hiện nay đã xuống cấp nhiều điểm, gây khó khăn đi lại và sản xuất của người dân. Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã bố trí nâng cấp tạm thời một số điểm. Tuy nhiên, do xuống cấp cộng với cao trình đê thấp, vào mùa mưa lũ, nước tràn gây ngập úng và thiệt hại sản xuất nông nghiệp.
Theo UBND huyện Phú Vang, từ năm 2017 đến nay, bằng các nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư xây dựng kiên cố hóa 3 mặt các tuyến đê tả - hữu sông Đại Giang với chiều dài khoảng 17km, qua địa bàn huyện và thị xã Hương Thủy. Hiện ngành nông nghiệp đang đầu tư nâng cấp tuyến đê 2 bờ sông Thiệu Hóa với chiều dài khoảng 12,5km, tổng kinh phí khoảng 130 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Đối với tuyến đê bao nội đồng trên địa bàn thị trấn Phú Đa và xã Phú Lương, trước mắt, để ổn định tuyến đê, hạn chế những hư hỏng tiếp theo, UBND huyện Phú Vang tổ chức kiểm tra và sẽ bố trí kinh phí của địa phương để đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Về lâu dài, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Phú Vang phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành khảo sát, lập dự án đầu tư nâng cấp tuyến đê nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trước đó, Ban Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh cũng đã đầu tư dự án hệ thống tưới Thanh Lam - Phú Đa với tổng mức đầu tư hơn 32 tỷ đồng. Với dự án này, trên 216ha chuyên canh cây lúa và hoa màu của các địa phương được canh tác từ 1 vụ lên 2 vụ/năm.
Tương tự, tuyến đê nội đồng vùng Ô Đầm (Lộc Sơn, Phú Lộc) đã đầu tư từ lâu với chiều dài khoảng 7km, có nhiệm vụ bảo vệ cho 450ha lúa của xã Lộc Sơn và Lộc Bổn. Thời gian qua, tuyến đê đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa được khoảng 4km và Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác các công trình thủy lợi đã sửa chữa, khắc phục tạm thời các điểm hư hỏng, xuống cấp nặng phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp.
Trước thực trạng tuyến đê xuống cấp gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, UBND huyện Phú Lộc đã tổ chức kiểm tra, bố trí kinh phí của địa phương để đầu tư nâng cấp, sửa chữa các điểm hư hỏng, xuống cấp trên tuyến. Về lâu dài, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Phú Lộc tiến hành khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư nâng cấp và chủ động bố trí lồng ghép các nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi nội đồng nhằm chủ động phục vụ tưới tiêu cho sản xuất.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, ngoài 78km đê biển với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng được đầu tư xây dựng từ năm 2006 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã đầu tư nâng cấp hệ thống đê bao được khoảng 100km với kinh phí xây dựng khoảng hơn 450 tỷ đồng. Ngoài ra, hiện nay hệ thống đê nội đồng kết hợp giao thông Phong Bình - Phong Chương - Điền Hòa - Điền Lộc dài khoảng 10km với kinh phí 17,4 tỷ đồng đang triển khai thực hiện.
Ông Đặng Văn Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh thông tin, bằng nhiều nguồn vốn trên địa bàn tỉnh cũng đã đầu tư được khoảng hơn 1.100km kênh mương nội đồng, ước kinh phí thực hiện khoảng 600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do có một số công trình hồ, đập, trạm bơm mới được đầu tư xây dựng mới, đồng thời tại một số địa phương có sự điều chỉnh về quy hoạch đồng ruộng, sau khi rà soát có nhiều tuyến kênh cần được tiếp tục đầu tư.
Bên cạnh những kết quả đạt được từ chương trình kiên cố hóa kênh mương, vấn đề cần được quan tâm trong thời gian đến là nhiều tuyến kênh đã đầu tư trong thời gian trước đây nay đã xuống cấp, hư hỏng, đặc biệt là các tuyến kênh xây dựng từ năm 2000. Hàng năm, bằng nguồn kinh phí của tỉnh và của các địa phương chỉ đầu tư sửa chữa nhỏ một số đoạn cấp bách. Vì vậy trong thời gian tới cần xem xét, bố trí kinh phí để sửa chữa các tuyến kênh đã xuống cấp, theo thống kê, kinh phí nâng cấp, sửa chữa ước khoảng 100 tỷ đồng.
Mới đây, làm việc với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên thiên tai, nhằm có nguồn kinh phí thực hiện khắc phục hậu quả, phục hồi sinh kế, khôi phục sản xuất ổn định đời sống dân cư, UBND tỉnh đề xuất các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí triển khai các dự án nâng cấp hệ thống đê điều và các cống trên đê ven phá Tam Giang - Cầu Hai để tăng khả năng thoát lũ, chống úng, ngập bảo đảm sản xuất nông nghiệp, kinh phí khoảng 500 tỷ đồng. Nâng cấp 250km kênh mương bị xuống cấp với kinh phí khoảng 250 tỷ đồng. Đầu tư kè chống sạt lở bờ sông và nạo vét các trục thủy đạo ở hạ lưu các sông Hương, sông Bồ, sông Truồi với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng và nâng cấp đảm bảo an toàn cho 12 hồ chứa nước với kinh phí 220 tỷ đồng.