Nhà thơ Thanh Hải trong Đoàn Đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đầu tiên ra thăm miền Bắc (tháng 10/1962) - (Hình ảnh được trưng bày tại cuộc triển lãm) 

Trong 78 năm qua, các thế hệ văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế đã sát cách cùng với cách mạng, với Nhân dân qua những cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, và cả trong quá trình xây dựng đất nước từ sau 1975. Triển lãm kỷ niệm 78 năm hoạt động của Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã ghi lại hành trình văn hóa nghệ thuật tỉnh nhà sát cánh cùng với cách mạng để dựng xây đất nước. Nhiều hình ảnh đáng quý về những hoạt động văn hóa nghệ thuật trong suốt thời gian đó được ghi lại. Trong 60 bức ảnh được Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế giới thiệu tại triển lãm kỷ niệm 78 năm thành lập Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh, người xem có thể nhận diện nhiều hình ảnh gắn liền với những cột mốc văn hóa, nghệ thuật đáng nhớ của Thừa Thiên Huế. Triển lãm kéo dài từ 18/9 - 28/9.

Tại triển lãm, người xem có thể nhận ra nhà thơ Thanh Hải trong Đoàn Đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đầu tiên ra thăm miền Bắc (tháng 10/1962). Nhà thơ Thanh Hải sau này là Tổng Thư ký Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trị Thiên - Huế năm 1969, rồi được tín nhiệm giữ vai trò Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên từ năm 1978.

Phong trào đấu tranh đô thị Huế đã góp phần làm cho cuộc đấu tranh chống Mỹ tại đô thị miền Nam phát triển mạnh. Văn nghệ sĩ ở đô thị Huế tham gia viết trên 40 tờ báo tranh đấu, cùng với các phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc, sáng tác thơ văn yêu nước, vẽ tranh chống cường quyền áp bức… Nhiều cuộc diễn thuyết, xuống đường đã được tổ chức. Triển lãm giới thiệu đến công chúng hình ảnh nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đang diễn thuyết chống Mỹ xâm lược tại Đại học Văn khoa Huế.

Cùng với những cuộc diễn thuyết, xuống đường, phong trào “Hát cho dân tôi nghe” khởi phát từ năm 1969 với những ca khúc phản chiến, cổ vũ tinh thần yêu nước nhận được hưởng ứng từ đông đảo sinh viên Huế. Hình ảnh họa sĩ Bửu Chỉ đang ôm đàn hát trong phong trào “Hát cho dân tôi nghe” trong một chuyến công tác xã hội đã được giới thiệu đến công chúng như một lời nhắc về những ngày “hát trong làn khói đạn”.

Ngày 26/3/1975, Thừa Thiên Huế được giải phóng, Hội Văn học Nghệ thuật Giải phóng Thừa Thiên Huế, sau đó là Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên bắt đầu triển khai hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh. Hình ảnh một số văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên đầu tiên cũng được giới thiệu trong triển lãm lần này.

Theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh, tổ chức Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế hiện nay có đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo trên 780 hội viên. Trong đội ngũ có nhiều người cầm bút vững vàng, có những văn nghệ sĩ có tầm vóc quốc gia và khu vực; đồng thời luôn luôn được bổ sung lực lượng hội viên trẻ, có nhiều triển vọng.

Bên cạnh những dấu mốc lịch sử quan trọng, triển lãm cũng giới thiệu đến công chúng nhiều hoạt động của các hội viên các hội chuyên ngành. Có thể kể đến hình ảnh các hội viên Hội Nghệ sĩ Múa trong tiết mục múa “Phụng Vũ”, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu trong bức ảnh thể hiện tiết mục chào mừng ngày truyền thống, hội viên Hội Mỹ thuật với triển lãm Mỹ thuật Trẻ, hội viên Hội Nhiếp ảnh ở rất nhiều hoạt động. Hình ảnh của hội viên thuộc 8 hội chuyên ngành cũng thể hiện khá rõ nét qua hình ảnh chụp từ các trại sáng tác VHNT, các chuyến đi thực tế trong Nam, ngoài Bắc, lên rừng, xuống biển…

Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc cho biết, triển lãm lần này là bước khởi đầu mang tính chất thử nghiệm nhằm chuẩn bị cho một triển lãm ảnh đầy đủ hơn, hướng tới dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh vào năm 2025.

Bài: Đăng Trình

Ảnh: Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh