Sắc màu ẩm thực Huế

UCCN được khởi xướng vào năm 2004, với mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành phố lấy sáng tạo là yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững. Mạng lưới này bao gồm 7 lĩnh vực sáng tạo: thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, phim, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông, âm nhạc.

Cần tham khảo các thành phố đã tham gia UCCN

Với TP. Huế, hai lĩnh vực đang được quan tâm và lấy ý kiến góp ý xây dựng hồ sơ đó là thủ công và nghệ thuật dân gian, ẩm thực.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã dẫn chứng một số thành phố sáng tạo ẩm thực tại châu Á được công nhận thành phố sáng tạo của UNESCO để so sánh với Huế. Đó là Jeonju (Hàn Quốc), Dương Châu, Thành Đô (Trung Quốc). Theo bà Phương, cả ba thành phố này có điểm khá tương đồng với Huế khi có lịch sử lâu đời, là những thực thể sống động với sự đa dạng về các biểu đạt văn hóa và hầu hết đều có đan xen các thế mạnh về ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian.

Đặc biệt, Jeonju và Huế đều từng là Cố đô với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ. Hai thành phố này lưu giữ nhiều giá trị văn hóa ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian, trang phục truyền thống Hanbok và áo dài mang đậm bản sắc của mỗi dân tộc. Chính vì thế, ngay từ khởi đầu việc lựa chọn hoặc ẩm thực hoặc thủ công và nghệ thuật dân gian thường không đơn giản đối với các thành phố. “Do đó, cân nhắc kỹ lưỡng lựa chọn ẩm thực hay thủ công và nghệ thuật dân gian dựa trên rà soát các tiêu chí kèm theo các chỉ số có hướng dẫn tại mẫu đăng ký hồ sơ ở từng lĩnh vực là kinh nghiệm rất hữu ích để Huế tham khảo từ các thành phố, đặc biệt là Jeonju”, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương nhận định.

Lấy giả định thành phố có nhiều lợi thế để lựa chọn lĩnh vực ẩm thực và muốn đăng ký trở thành thành viên của UCCN vào năm 2025 hoặc năm 2027 cần phải được triển khai có lộ trình bài bản ngay từ bây giờ. Trong quá trình triển khai, rất cần tham khảo kinh nghiệm của Jeonju trong việc thành lập nhóm tư vấn hoặc Ủy ban tư vấn với sự tham gia của đại diện chính quyền, các chuyên gia, các nhà sáng tạo trong lĩnh vực ẩm thực và các doanh nghiệp để rà soát lại toàn bộ hệ thống dữ liệu của thành phố có đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt của mạng lưới thành phố ẩm thực hay không.

Cơ hội nâng cao vị thế của Huế

Trên thực tế, các thành phố tham gia vào mạng lưới UCCN đang sử dụng tư cách thành viên của mình với hai xu hướng khác nhau. Đó là sử dụng tư cách thành viên UCCN như một công cụ xây dựng thương hiệu địa phương để thu hút các nhà đầu tư và du khách. Ngoài ra, còn sử dụng tư cách thành viên để xây dựng hợp tác hiệu quả với các thành phố trong mạng lưới, góp phần củng cố mạnh mẽ hơn bản sắc của địa phương. Cả hai xu hướng này có thể đồng thời cùng được sử dụng, chúng tương tác, bổ trợ cho nhau.

Việc xây dựng Huế trở thành thành phố sáng tạo về ẩm thực là cần thiết và những tiêu chí của UCCN cũng như kinh nghiệm của các thành phố tham gia mạng lưới chính là nền tảng quan trọng giúp thành phố có thể khai thác một cách hiệu quả, tối ưu, bền vững vốn di sản ẩm thực đặc sắc và giàu có của mình.

Trong khi đó, theo đại diện UBND TP. Huế, ẩm thực Huế và áo dài truyền thống là hai trong số những giá trị văn hóa vừa mang đậm dấu ấn cung đình lẫn dân gian đang được bảo tồn và phát huy có hiệu quả tại Huế. Đó được xem như cơ sở và là nền tảng để nhân rộng, sẻ chia các mô hình phát triển kinh tế bền vững dựa trên công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật dân gian, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu hưởng thụ về văn hóa và tinh thần của con người.

Việc gia nhập UCCN mang ý nghĩa chiến lược, nâng tầm giá trị, vai trò và vị thế của Huế trong nước cũng như trên trường quốc tế. Trong chiến lược bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Huế, mục tiêu trở thành “Thành phố sáng tạo về thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian của UNESCO” sẽ là tiềm năng lớn cho Huế trở thành thành viên UCCN trong thời gian ngắn nhất. Đồng thời, Huế sẽ củng cố thêm vị thế là trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và định vị di sản văn hóa Huế trên bản đồ thế giới.

Ẩm thực là thành tố quan trọng của văn hóa Huế

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cho rằng, Huế lựa chọn lĩnh vực ẩm thực để tham gia UCCN, bởi đây là một trong những thành tố quan trọng của văn hóa Huế, đáp ứng những nhu cầu của xã hội, đồng thời tạo cơ hội xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế gắn liền phát triển tài nguyên văn hóa và con người, bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng định hướng chiến lược về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế nói chung, trong đó có ẩm thực là rất cần thiết và nhiều ý nghĩa, nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 54-NQ/TW của  Bộ Chính trị với mục tiêu “xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

 

Bài, ảnh: Nhật Minh