ADB đã công bố những cải cách vốn mới nhằm mở ra khả năng tài trợ mới trị giá 100 tỷ USD trong vòng 10 năm cho châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh minh họa: ADB

Những cải cách này được thực hiện thông qua bản cập nhật Khung An toàn vốn (CAF) của ADB, giúp mở rộng năng suất cam kết mới hàng năm của ngân hàng lên hơn 36 tỷ USD - tăng khoảng 10 tỷ USD, tương đương khoảng 40%. ADB đạt được sự gia tăng này nhờ tối ưu tỷ lệ vốn hóa thận trọng trong khi vẫn duy trì khẩu vị rủi ro tổng thể.

Những cải cách này cũng tạo ra vùng đệm cho vay nghịch chu kỳ trị giá 12 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển (DMC) của ADB đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng bất ngờ.

Đồng thời, các biện pháp này sẽ cho phép ADB cung cấp khoản tài trợ lên tới 360 tỷ USD cho các DMC và khách hàng thuộc khu vực tư nhân trong thập kỷ tới. Chúng được thiết kế để đảm bảo ADB duy trì xếp hạng tín dụng AAA của ngân hàng và khả năng cung cấp vốn với chi phí thấp và có kỳ hạn dài cho các quốc gia thành viên đang phát triển.

Ông Masatsugu Asakawa, Chủ tịch ADB cho biết “những cải cách quan trọng này sẽ mở rộng đáng kể khả năng của ADB trong việc hỗ trợ trên diện rộng các nỗ lực phát triển quan trọng trên khắp châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm các nguồn lực ưu đãi lớn hơn cho các thành viên dễ bị tổn thương của ADB”. Theo ông, những nguồn lực này sẽ giúp khu vực quản lý một loạt các cuộc khủng hoảng chồng chéo phức tạp, giải quyết bất bình đẳng giới và đáp ứng các nhu cầu cơ bản trước những thách thức hiện hữu của biến đổi khí hậu.

Được biết, huy động vốn tư nhân sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc gia tăng nguồn vốn từ hàng tỷ đến hàng nghìn tỷ USD, thông qua việc mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân vào chương trình nghị sự phát triển.

Đồng thời, các nền kinh tế cũng phải huy động thêm nguồn thu từ thuế, hiện đại hóa cơ quan thuế thông qua số hóa và hợp tác để đảm bảo một hệ thống thuế quốc tế hoạt động tốt và công bằng. Huy động nguồn lực trong nước là rất quan trọng trong nỗ lực giải quyết vấn đề nợ bền vững và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Năm 2021, ADB đã thành lập Trung tâm Thuế châu Á - Thái Bình Dương nhằm cung cấp một nền tảng cởi mở và toàn diện cho đối thoại chính sách chiến lược, chia sẻ kiến thức và điều phối phát triển giữa ADB, các thành viên và các đối tác phát triển.

Theo ADB, người nghèo và người dễ bị tổn thương ở châu Á - Thái Bình Dương dễ phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng ngày càng leo thang và có mối liên hệ với nhau, gây nguy hiểm cho sức khỏe, kết quả giáo dục và sinh kế của họ. Năm ngoái, ước tính có khoảng 155 triệu người, tương đương 3,9% dân số khu vực, phải sống trong tình trạng nghèo cùng cực.

Được biết, bản cập nhật Khung An toàn vốn (CAF) này là động thái mới nhất trong số những sáng kiến của ADB nhằm gia tăng năng lực cho vay của ngân hàng.

Hồi tháng 5, ADB đã thành lập Quỹ Tài trợ đổi mới cho khí hậu ở châu Á - Thái Bình Dương (IF-CAP), cho phép các nhà tài trợ bảo đảm một phần danh mục cho vay theo kênh tài trợ chính phủ hiện thời trên bảng cân đối của ADB, từ đó giải tỏa nguồn vốn cho các dự án khí hậu mới.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ ADB)